Thứ Năm | 21/07/2016 06:40

USD lập đỉnh 4 tháng khi thị trường tăng đặt cược Fed nâng lãi suất

USD phiên 20/7 lên cao nhất 4 tháng do đồn đoán Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi các ngân hàng trung ước khác lại nới lỏng.

Chốt phiên, USD tăng 0,7% so với yên lên 106,88 JPY/USD, cao nhất kể từ 13/6. Giới đầu tư đang bán tháo yên do đồn đoán Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.

Euro giảm 0,1% so với USD xuống 1,1016 USD/EUR trước thềm phiên họp chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm 21/7. Dự đoán các nhà hoạch định chính sách ECB sẽ không công bố các biện pháp nới lỏng hơn nữa nhưng có thể phát tín hiệu về các biện pháp kích thích tiền tệ trong thời gian tới.

Trong khi đó, bảng Anh tăng 0,8% so với USD lên 1,3216 USD/GBP sau khi kết quả khảo sát của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cho thấy không có bằng chứng rõ ràng về đà giảm tốc của tăng trưởng kinh tế sau sự kiện Brexit hồi tháng trước và nhà hoạch định chính sách BOE Kristin Forbes cho rằng Ngân hàng trung ương có thể chờ đợt thêm trước khi hạ lãi suất.

Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng 0,2% lên 88 điểm, đầu phiên chỉ số này chạm 88,05 điểm, cao nhất kể từ tháng 3/2016. Trong khi đó, Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng 0,1% lên đạt 97,14 điểm, cao nhất 4 tháng.

Gần đây, USD được hỗ trợ nhờ số liệu tích cực về thị trường lao động và lạm phát của Mỹ, làm tăng đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất trước khi kết thúc năm nay.

Theo số liệu của CME Group, tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất vào tháng 9 là 25%, tăng so với 13% trong tuần trước, và vào tháng 12 là 51%.

Báo cáo ra hôm thứ Ba 19/7 cho thấy số nhà mới khởi công xây dựng tại Mỹ trong tháng 6 tăng tốt hơn dự đoán, cho thấy nhu cầu nhà ở tại Mỹ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay.

Số liệu công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy, doanh số bán lẻ, giá tiêu dùng và sản lượng công nghiệp tại Mỹ trong tháng 6 đều tăng tốt. Trong khi đó, báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 6, công bố hồi đầu tháng này, cũng nhấn mạnh thị trường lao động đang hồi phục mạnh mẽ và xoa dịu lo ngại về đà giảm tốc của tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư dự đoán các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản sẽ tăng cường các biện pháp kích thích tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau cú sốc Brexit - động thái được cho là có thể làm suy yếu đồng nội tệ và khiến USD hấp dẫn hơn.

Phan Nguyễn

Nguồn WSJ,Reuters