USD không cho vay ra thì để làm gì?
Ngân hàng huy động được mà không cho vay ra thì để làm gì?
Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng thương mại (NHTM) lớn có trụ sở tại Hà Nội, tính toán với doanh nghiệp xuất khẩu tốt được vay USD với lãi suất 1,85%/năm để bán lấy VNĐ chi phí sẽ rẻ hơn so với vay VNĐ với mức lãi suất 5,5%.
Theo đó, doanh nghiệp vay 1 triệu USD với lãi suất 1,85% và tỷ giá là 22.305 đồng/USD thì chi phí lãi vay phải trả là 137.545.500 đồng.
Trong khi đó, cùng thời gian vay là 4 tháng, doanh nghiệp vay VNĐ với giá trị tương đương 1 triệu USD là 22.305.000.000 đồng với lãi suất là 5,5%/năm thì chi phí lãi vay phải trả là 408.925.000 đồng.
Như vậy, mức chênh lệch chi phí lãi vay giữa hai loại tiền này là 271.379.500 đồng.
Một ví dụ khác, cũng vay trong 4 tháng, cùng khoản vay 1 triệu USD với lãi suất 2,5% và tỷ giá là 22.305 đồng/USD, chi phí lãi suất mà doanh nghiệp phải trả là 185.875.000 đồng.
Trong khi đó doanh nghiệp vay VND với giá trị tương đương 1 triệu USD là 22.305.000 đồng với lãi suất là 6,5%/năm thì chi phí lãi suất phải trả là 483.275.000 đồng. Mức chênh lệch chi phí lãi vay giữa hai loại tiền đồng là 297.400.000 đồng.
Tuy nhiên, từ góc nhìn rộng hơn, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng việc các ngân hàng và doanh nghiệp đang lợi dụng chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD để kiếm lời là hoàn toàn không chính đáng.
“Quan điểm của tôi là không nên bảo vệ . Lộ trình chống đô la hóa mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai là đúng và chúng ta phải cương quyết thực hiện. Nay chúng ta cứ thấy lãi suất USD và tiền VNĐ chênh lệch nhau thì muốn tìm cách kiếm lợi nhuận. Ngân hàng Nhà nước đang điều hành một cách xuyên suốt vấn đề chống đô la hóa, chúng ta phải ủng hộ”, ông Lịch nêu quan điểm.
Theo ông Lịch, khi thực hiện một chính sách nào đó cũng có một bộ phận bị thiệt về kinh tế, không có chính sách nào mà mọi đối tượng đều được lợi hết.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ngân hàng cũng thừa nhận không thể duy trì lâu dài chính sách cho vay USD đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu để bán lấy tiền VND được, vì rất rủi ro.
Báo cáo tài chính năm 2015 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy nhiều ngân hàng bị lỗ nặng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Ví như năm 2015, VPBank lỗ thuần gần 200 tỷ đồng vì ngoại hối, lũy kế cả năm lỗ 290 tỷ đồng, Techcombank lỗ 192 tỷ đồng, VIB lỗ 10,5 tỷ đồng… Nhiều ngân hàng khác tuy cả năm có lãi nhưng bị lỗ trong quý IV/2015 như Eximbank lỗ 6,6 tỷ đồng, Sacombank lỗ 29 tỷ đồng, Vietinbank lỗ 75 tỷ đồng…
Lý do khiến những ngân hàng này bị thua lỗ ở mảng ngoại hối là vì các ngân hàng cũng lợi dụng chênh lệch lãi suất giữ VND và USD để vay USD rồi bán ra đổi lấy tiền đồng gửi trên thị trường ngân hàng hoặc cho vay các tổ chức kinh tế, dân cư. Đến khi có giao dịch thanh toán, ngân hàng sẽ phải mua USD trở lại với mức giá theo biến động thị trường.
Đồng tình với quan điểm dừng cho vay USD đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhưng nhiều ngân hàng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải có bài toán để làm sao tái phân phối nguồn vốn USD mà hệ thống ngân hàng huy động được trong dân.
“Vì tâm lý kỳ vọng tỷ giá VND/USD tăng lên vẫn cao, nên người dân vẫn tích trữ ngoại tệ, vốn huy động ngoại tệ vẫn tăng lên. Ngân hàng huy động được mà không cho vay ra thì để làm gì? Ngân hàng không thể lãng phí nguồn vốn này và chịu thiệt khi chỉ cất két sắt”, lãnh đạo một ngân hàng phân tích.
Từ ngày 31.3, theo quy định tại Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước (năm 2015), nhóm đối tượng là doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu quá cửa khẩu biên giới sẽ không được vay ngoại tệ Quy định này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ tác động mạnh tới lợi nhuận của doanh nghiệp bởi họ không còn cơ hội lướt sóng để hưởng chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng (VND). |
Nguồn Dân Việt