Unilever: Myanmar có thể là một Việt Nam tiếp theo
Unilever đang tham gia liên doanh với công ty Europe & Asia Commercial (EAC) tại Myanmar trong một nỗ lực nhằm củng cố vị thế tại thị trường 54 triệu dân của nước này.
Unilever Myanmar và EAC sẽ hợp nhất các doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân mà họ đang có vào liên doanh này để tạo thành Công ty Unilever EAC Myanmar.
Liên doanh này sẽ giúp tạo ra doanh thu hàng năm hơn 100 triệu euro cho hãng thông qua các hoạt động sản xuất, tiếp thị và phân phối các sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân ở Myanmar.
"Myanmar là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á", Pier Luigi Sigismondi, Chủ tịch Unilever khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, nói với CNBC. "Sự kết hợp của một nền kinh tế đang tăng trưởng cùng với ổn định chính trị và nguồn nhân lực mạnh giúp Myanmar có cơ hội trở thành một thị trường mạnh trong dài hạn", ông nói thêm.
Nền kinh tế Myanmar đã chứng kiến mức tăng trưởng từ 6-8% trong những năm qua. Nhưng nước này còn một chặng đường dài nữa để trở thành một thị trường phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), chỉ 1/3 người dân Myanmar được sử dụng điện và phần lớn người dân vẫn chưa có tài khoản ngân hàng.
Dù vậy, Unilever vẫn nhìn thấy tiềm năng ở đây. "Đối với những công ty như Unilever, Myanmar có thể sẽ là một Việt Nam tiếp theo", Sigismondi nói.
Unilever gần đây đã từ chối đề nghị mua lại từ Kraft Heinz, khiến các nhà phân tích suy đoán khả năng Unilever có thể tách thành hai công ty riêng biệt. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Paul Polman của hãng nói với CNBC rằng động thái này sẽ chỉ làm tổn hại đến việc tạo ra giá trị của công ty.
An Phong
Nguồn CNBC