Unicharm đặt cược vào thị trường Việt Nam
Với khoản đầu tư 100 triệu USD, Unicharm sẽ đẩy sản lượng của Diana lên tới 5 tỷ miếng sản phẩm các loại/năm, phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hơn thế, ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Diana cho rằng, dự án này đánh dấu kế hoạch mở rộng thị phần tại khu vực Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc trong tương lai của Unicharm.
Đây không phải là lần đầu ý định sử dụng thị trường Việt Nam như căn cứ địa để bành trướng thị phần tại châu Á của Unicharm được nhắc tới.
Ngay sau khi mua thành công thương hiệu Diana của Việt Nam, Unicharm đã đặt mục tiêu phải đứng số 1 tại thị trường này về lĩnh vực chăm sóc vệ sinh cá nhân nói chung.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, thị trường Việt Nam có hơn 50 nhãn hiệu tã giấy trẻ em. Tuy nhiên, chỉ có 3 nhà sản xuất lớn là Diana với nhãn hiệu Bobby và Mamypoko (hàng nhập khẩu từ Thái Lan, nhãn hiệu của Tập đoàn Unicharm), Kimberly Clark (Mỹ) với nhãn hiệu Huggies và một đại diện khác cũng đến từ Mỹ là Procter & Gamble (P&G) với nhãn hiệu Pampers.
Trong đó, Diana chiếm 30% thị phần và đang là nhà sản xuất dẫn đầu thị trường trong ở dòng sản phẩm tã lót cho em bé, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 40%/năm. Mức tăng trưởng này dự báo tiếp tục được duy trì trong năm nay. Kimberly Clark và P&G không chia sẻ con số cụ thể về thị phần, nhưng đều khẳng định, mảng kinh doanh tã giấy tại Việt Nam đang góp đáng kể vào doanh thu toàn cầu của họ.
Giới phân tích cho rằng, với các động thái mở rộng sản xuất hiện tại, Unicharm đang đặt cược vào thị trường Việt Nam cho tham vọng lấn sâu vào thị trường các nước châu Á của mình sau khi các bước thâu tóm thị trường Đông Nam Á được rốt ráo triển khai.
Tháng 8 vừa qua, Unicharm gần như thâu tóm toàn bộ Công ty Mycare (Myanmar) khi mua tiếp 10% cổ phần tại đây và nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên tới 98%. Tương tự cách làm với Diana tại thị trường Việt Nam, trong thông cáo báo chí của mình, Unicharm khẳng định quyết tâm tăng tốc leo nhanh lên vị trí số 1 tại thị trường Myanmar và các nước AEAN bằng việc tận dụng thương hiệu có uy tín cao như Mycare.
Đây là thương hiệu đã tồn tại ở Myanmar 18 năm qua và nổi tiếng với các sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ, khăn, tã. Trong đó, nhãn hiệu Eva của Mycare chỉ đứng thứ hai (sau nhãn hiệu MamyPoko của Unicharm) và cả hai nhãn hiệu luôn là sự lựa chọn của tiêu dùng Myanmar.
Theo kế hoạch, Unicharm sẽ có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai nhãn hiệu này để áp đảo thị trường. Trước mắt, Unicharm và Mycare sẽ tiếp tục cùng nhau đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tại thị trường Myanmar.
Trước đó, hồi tháng 6/2013, Unicharm đã mua lại 100% cổ phần của Công ty CFA Pte. Ltd (Singapore), chuyên sản xuất các sản phẩm giấy và nguyên liệu giấy.
Không chỉ thâu tóm thị trường Đông Nam Á, Unicharm muốn bành trướng cả thị trường Trung Quốc – nơi có sản lượng tã dự kiến trong những năm tới sẽ chiếm hơn 20% trong tổng sản lượng tã trên toàn cầu.
Hiện, Unicharm chiếm 25% thị phần tã giấy và giấy vệ sinh tại thị trường châu Á. Tuy nhiên, mục tiêu thống trị thị trường này của Unicharm không dễ thực hiện bởi lẽ, hàng loạt đối thủ lớn của Unicharm là Công ty Kao, Công ty Pigeon (Nhật Bản), Tập đoàn Procter & Gamble cũng đang mở rộng quy mô sản xuất tại thị trường AEAN và Trung Quốc.
Nguồn Báo Đầu tư