Ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Đức Thứ Tư | 05/05/2021 08:00

Ứng phó với siêu chu kỳ tăng giá

Những ngành phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào đang chịu áp lực lớn từ siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa.

Giá hàng hóa tăng lan rộng khắp các chuỗi cung ứng toàn cầu và doanh nghiệp Việt Nam vất vả ứng phó với hiện tượng “nguyên liệu thô đứng trước siêu chu kỳ tăng giá”.

Theo đánh giá, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, đồng USD suy yếu cùng xu hướng đẩy mạnh kích thích chi tiêu trên toàn thế giới sẽ thúc đẩy giá hàng hóa tăng cao. Kèm theo đó, các quỹ đầu cơ đang lao vào cuộc đầu cơ giá đi lên. Các ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và JP Morgan nhận định một siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa dài hạn đã bắt đầu, căn cứ vào 6 yếu tố như phục hồi kinh tế, nới lỏng định lượng, các kế hoạch kích thích kinh tế, giá trị đồng USD giảm, lạm phát và chính sách thân thiện với môi trường.

Siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa đang đi kèm hiện tượng bong bóng tài sản thể hiện qua giá một loạt tài sản, từ hàng hóa nguyên vật liệu đến bitcoin hay cổ phiếu, đều đang tăng chóng mặt. Điều này khiến nhiều người lo ngại về khả năng các thị trường toàn cầu đang trong giai đoạn bong bóng. Chứng khoán nhiều nước cũng đồng loạt tăng nóng. Chỉ số S&P 500 và Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) của Mỹ gần đây đã có phiên lập kỷ lục thứ 23 và 21 trong năm. Khảo sát từ E*Trade Financial với khoảng 957 nhà đầu tư cá nhân cho hay khoảng 70% nhà đầu tư cá nhân tin rằng thị trường đã hoàn toàn hoặc phần nào rơi vào trạng thái bong bóng.

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương, dự báo của giới phân tích về chu kỳ tăng giá hàng hóa sắp tới là hợp lý. Bởi lẽ, phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đều tung ra những gói kích thích lớn, đồng thời dự báo diễn biến dịch bệnh có chiều hướng tích cực làm tăng nhu cầu mua các loại hàng hóa nguyên liệu để thúc đẩy sản xuất và hồi phục kinh tế. Ngoài ra, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cũng khiến chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa tăng trung bình 200-300%.

Ảnh hưởng từ xu hướng này, tại Việt Nam, trong vài tháng trở lại đây, ngành gỗ có mức tăng trung bình 10%; sắt thép tăng 30-40%, giá nhựa cũng tăng tới 30-40%. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết: “Các vật liệu phụ liên quan đến hóa chất, xốp, mút, keo... đều tăng từ 20-30%. Giá nguyên liệu cũng không ổn định, đặc biệt cả gỗ trong nước tăng 10-15%, thậm chí 20%; gỗ nhập khẩu tăng từ 20-25%”.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho biết, giá các mặt hàng cao su và hóa chất trong cao su đã tăng 60% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ mới dám tăng giá sản phẩm 5-10%, nếu tình trạng này kéo dài 2 tháng thì buộc phải tăng tiếp 20% nữa. “Với quy mô sử dụng 7-8 tỉ USD, thậm chí 10 tỉ USD nguyên liệu nhựa cho sản xuất mỗi năm, nếu vẫn không tự chủ được nguyên liệu, doanh nghiệp nhựa sẽ luôn trong tình thế bấp bênh, nhiều rủi ro”, ông Quốc Anh nhận định.

Tương tự, những ngành phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào đang chịu áp lực của làn sóng tăng giá như chăn nuôi, dệt may, da giày... Thậm chí, Chính phủ phải có văn bản giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp thích ứng với tình trạng nguyên liệu thô đứng trước siêu chu kỳ tăng giá.

 

Mặc dù vậy, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu các giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), cho rằng, chu kỳ tăng giá chưa chắc đã dài bởi vì các nền kinh tế có khả năng tự điều chỉnh và thích ứng tốt trước những biến động. Chẳng hạn, nhiều quốc gia đang tích cực khôi phục sản xuất lương thực và nguyên vật liệu nên cung hàng hóa chưa chắc đã thiếu trong thời gian dài.

Giá cả hàng hóa tăng có thể mang lại hiệu ứng tích cực, phản ánh nhu cầu và sự kỳ vọng phục hồi kinh tế tăng, nhưng cũng có thể mang ý nghĩa tiêu cực nếu chi phí tăng trong khi nguồn cung giảm. Các nhà điều hành chính sách Việt Nam cũng như các nước trên thế giới dự kiến sẽ chấp nhận lạm phát ở một mức độ nhất định để giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, vượt qua cú sốc COVID-19, nhưng cũng cần chủ động chống lại những tác động tiêu cực từ lạm phát, do giá nguyên liệu đầu vào tăng và thanh khoản quá dồi dào. Việc chủ động theo dõi và điều tiết chính sách tài khóa - tiền tệ kịp thời có thể hỗ trợ kiểm soát được giá cả hàng hóa, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô.