Quý Hòa
Ứng dụng LINE sẽ trở lại Việt Nam?
LINE vừa đánh tiếng cho sự trở lại thị trường Việt Nam thông qua việc đầu tư vào webtretho.com. Dù chưa có thông báo chính thức từ các bên nhưng theo nguồn tin NCĐT có được, thương vụ này đã được tiến hành gần nửa năm nay và LINE hiện đang nắm quyền chi phối Công ty Cổ phần Dịch vụ Thông tin Trẻ Thơ, đơn vị chủ quản webtretho.com.
Thành lập năm 2002, từng được IDG Ventures đầu tư, tính đến nay, webtretho.com hiện là diễn đàn có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam dành cho nữ giới. Theo website đo lường similarweb, hiện mỗi tháng có hơn 13 triệu lượt truy cập vào webtretho và diễn đàn này đang xếp thứ 91/100 website được truy cập nhiều nhất ở Việt Nam. Doanh thu của webtretho.com vào khoảng hơn 2 triệu USD/năm.
Thời gian qua, Công ty Dịch vụ Thông tin Trẻ thơ được cho là đầu tư vào mảng video và mở rộng sang một số lĩnh vực khác như thể thao, website dành cho nam giới... Trước đó, IDG Ventures từng dùng webtretho.com làm bàn đạp gia nhập thị trường thương mại điện tử bằng các website như beyeu.com (đồ mẹ và bé), lamdieu.com (mỹ phẩm), foreva.com (đồ lót) nhưng không thành công, dẫn đến đóng cửa các dự án này vào năm 2015.
Về phần mình, LINE, công ty trực thuộc Naver (Nhật), cũng không phải là cái tên quá xa lạ ở thị trường Việt Nam. Giai đoạn 2012-2013, khi cuộc chiến các ứng dụng nhắn tin bùng nổ thì LINE cũng rất tích cực tham gia để giành thị phần cùng KakaoTalk, Viber, Zalo, Facebook Messenger...
Không lâu sau đó, đơn vị này rút khỏi Việt Nam và tập trung vào 4 thị trường trọng điểm ở châu Á là Nhật, Thái Lan, Đài Loan và Indonesia. Kết thúc năm 2017, LINE có 168 triệu người sử dụng hằng tháng ở 4 thị trường này, đem về doanh thu hơn 1,5 tỉ USD. Quảng cáo tiếp tục đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu.
Với việc mua lại webtretho.com, LINE gần như đặt một chân quay lại thị trường Việt Nam nhưng vì sao và chiến lược sắp tới sẽ như thế nào là câu hỏi được đặt ra.
Thật khó để biết được chính xác vì cả LINE và Công ty Dịch vụ Thông tin Trẻ thơ đều không công bố, nhưng không khó để có thể dự đoán qua các vấn đề mà LINE đang phải đối mặt.
Theo đó, mặc dù có doanh thu tăng trưởng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng LINE đang phải đối mặt với việc được cho là phát triển không bền vững do phần lớn tăng trưởng đến từ thị trường Nhật. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng người sử dụng LINE cũng bắt đầu chậm đi từ năm 2015.
Dưới áp lực phát triển, LINE phải mở rộng sang các thị trường khác với hiệu quả đi kèm. Bên cạnh đó, họ cũng đã được cảnh báo các đối thủ địa phương ở những thị trường khác ngoài 4 thị trường chủ lực của LINE không hề dễ chịu chút nào.
Đơn cử tại Thái Lan, người sử dụng dùng LINE để đặt xe nhưng chưa chắc ở các thị trường mà Grab đang chiếm thị phần lớn, người sử dụng sẽ đặt xe qua LINE. Việt Nam là một điển hình, bên cạnh đó Grab phải cạnh tranh với 2 đối thủ có lượng người sử dụng khủng nhất hiện nay là Zalo (VNG) và Facebook Messenger. Theo The Next Web, tính đến tháng 7.2017 Facebook có 57 triệu người sử dụng. Còn theo thông tin từ VNG, tháng 2.2017 Zalo cán mốc 80 triệu người sử dụng.
Theo báo cáo tài chính của LINE, doanh thu của họ đến từ 3 mảng chính: quảng cáo, nội dung (phân phối game, nhạc, truyện tranh), truyền thông (kinh doanh các sticker vui nhộn) và các mảng khác (thanh toán, thương mại điện tử, gọi xe).
Trên thực tế, mảng phân phối game và kinh doanh các sticker vui nhộn từng không thành công ở Việt Nam vì thanh toán trực tuyến chưa phát triển. Tuy nhiên, sự trở lại lần này của LINE khởi sắc hơn khi mảng thanh toán trực tuyến đang trở thành dịch vụ được trợ giá hấp dẫn nhất trong thời gian tới, bởi cuộc đua của Zalo Pay (VNG), GrabPay (Grab), MoMo...
Thứ đến, các dịch vụ âm nhạc bản quyền cũng bắt đầu rộ lên ở Việt Nam kể từ khi Spotify tham gia cũng là cơ hội cho dịch vụ LINE Music. Thị trường Việt Nam giờ đã khác so với cách đây 5 năm và cơ hội cho LINE khi LINE Music và dịch vụ thanh toán LINE Pay là hai dịch vụ có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất trong cơ cấu của LINE với tỉ lệ lần lượt 180% và 96,6%.
Một lý do nữa khiến Việt Nam hấp dẫn đối với LINE chính là sự ảnh hưởng của văn hóa Nhật. Giống như Thái Lan, Việt Nam khá dễ chịu khi chấp nhận các sản phẩm đến từ Nhật từ trang phục, thực phẩm và đặc biệt là các biểu tượng hoạt hình.
Do đó, lần trở lại này có vẻ như LINE chọn cách âm thầm gia tăng sức ảnh hưởng thông qua diễn đàn có nhiều phụ nữ tham gia nhất thay vì chọn cách đối đấu trực tiếp với các đối thủ ở thị trường mà mình đã bỏ rơi gần 5 năm qua. Từ những người phụ nữ trong gia đình, LINE sẽ tìm cách đưa sự lan tỏa của mình đến các thành viên còn lại.