UNDP khuyến nghị Việt Nam tăng giá năng lượng
Cần tăng giá
Với tiêu đề "Tăng trưởng xanh và Chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam - các kiến nghị về lộ trình cải cách chính sách", báo cáo được công bố tại hội thảo cùng tên do UNDP và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội.
Báo cáo khẳng định, Việt Nam đã trợ giá nhiên liệu hóa thạch một cách gián tiếp, dao động từ 1,2 đến 4,49 tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn từ 2007-2012.
Báo cáo lập luận rằng mặc dù Chính phủ cam kết theo hướng tăng trưởng xanh và tái cấu trúc ngành điện, bao gồm thay đổi giá, nhưng trợ giá nhiên liệu hóa thạch vẫn còn lớn và chủ yếu dưới hình thức gián tiếp.
Theo tài liệu thảo luận này, giá năng lượng của Việt Nam thấp so với các nước khác trong khu vực. Mặc dù đã có tăng giá đáng kể, giá bán lẻ trung bình không thay đổi trong giai đoạn từ năm 2008-2013, trên thực tế là thấp hơn so với thời kỳ 5 năm trước đó, khi tính theo giá cố định năm 2002 có tính đến các yếu tố lạm phát.
Tài liệu phân tích các tác động của trợ giá nhiên liệu hóa thạch lên nền kinh tế, môi trường và sức khỏe của người dân. "Trợ giá dẫn tới nguồn thu của Nhà nước bị mất đi và mức nợ của các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tăng lên, và người dân sẽ phải gánh nợ," tài liệu nhấn mạnh và cho rằng "trợ giá mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo" và "người dân Việt Nam phải trả một giá rất đắt cho trợ giá năng lượng".
Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh các nỗ lực cải cách năng lượng nếu Việt Nam muốn phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn.
Đại sứ New Zealand Haike Manning khẳng định, ông ủng hộ dỡ bỏ trợ cấp trong ngành năng lượng. Ông cho rằng trợ giá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng đang làm "tiêu hao" nguồn lực Chính phủ, và gây áp lực ngày càng tăng cho ngân sách.
Ông nhận xét, nhiều đối tác đang xem xét tham gia vào ngành năng lượng ở Việt Nam, song việc trợ giá làm các nhà đầu tư khó tham gia vào thị trường này.
Cải cách thị trường
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế trong nước khuyến nghị trước hết cần cải cách cơ cấu thị trường năng lượng đang bị làm méo mó bởi sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước.
Chuyên gia kinh tế độc lập Phạm Chi Lan nói bà không đồng tình với kết luận của báo cáo cho rằng giá năng lượng của Việt Nam thấp hơn so với quốc tế là do mức thuế môi trường thấp và trợ cấp của Nhà nước.
Bà dẫn chứng: "Chẳng hạn như điện, Việt Nam có những nguồn tài nguyên cơ bản để tạo ra sản phẩm như nước, than, thủy điện, khí đốt. Nhiều công trình đã thu hồi vốn nên giá điện thấp hơn so quốc gia khác. … Vì vậy, không thể lấy giá của nước khác so với giá của Việt Nam".
Theo Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Vũ Xuân Nguyệt Hồng, các doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex đang cung cấp tới 85% sản lượng điện, xăng, dầu ở Việt Nam.
Dù Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty này, đến nay chưa có một kế hoạch nào dỡ bỏ tính độc quyền của họ trong ngành năng lượng, bà Hồng nói.
"Các doanh nghiệp này được đối xử ưu đãi về thương mại, tiếp cận tài chính, và đất đai", bà nói thêm.
Bà Chi Lan bổ sung: "Nếu không đặt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngành năng lượng theo kỷ cương thị trường, vẫn để họ độc quyền, chi phối thị trường, chưa có cơ chế thị trường đầy đủ, mà tăng giá thì rất nguy hiểm".
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, các DNNN đang chi phối ngành năng lượng như EVN, Petrolimex, Vinacomin đều thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Công Thương. Bộ có ba vai trò: hoạch định chính sách, đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp này, và vai trò điều tiết thị trường.
Ông nói: "Ba chức năng này khi thực thi rất mâu thuẫn trong thể chế thị trường. Điều đầu tiên cần tách ba chức năng này ra. Bộ chủ yếu hoạch định chính sách, chức năng chủ sở hữu phải là cơ quan khác, còn chức năng điều tiết đặc biệt như thị trường năng lượng cần độc lập. Điều tiết thị trường công bằng là điều rất quan trọng, nếu không, chúng ta có nguy cơ chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân, làm thị trường vận hành yếu kém hơn. Theo tôi đó là lực cản mạnh nhất đối với việc thiết lập thị trường hiện nay".
Bản báo cáo cho rằng, giá năng lượng của Việt Nam thấp so với các nước khác trong khu vực. Mặc dù đã có tăng giá đáng kể, giá bán lẻ trung bình không thay đổi trong giai đoạn từ năm 2008-2013, trên thực tế là thấp hơn so với thời kỳ 5 năm trước đó, khi tính theo giá cố định năm 2002 có tính đến các yếu tố lạm phát. Báo cáo ghi nhận, giá bán lẻ điện trung bình đã tăng lên đáng kể từ năm 2007.
Tuy nhiên, xét theo giá cố định năm 2002, giá bán lẻ điện bình quân gần như không thay đổi trong giai đoạn 2008-2013 và thấp hơn so với giai đoạn 2002-2007. Khi thể hiện theo giá cố định bằng đồng đôla Mỹ (USD), giá cũng có xu hướng tương tự.
Giá điện bình quân hiện nay đối với tất cả người sử dụng ở Việt Nam đã tăng từ 4,6 UScent/kWh năm 2002 lên 7 UScent/kWh vào năm 2013. Đây là mức rất thấp so sánh với quốc tế.
Trong năm 2011-2012, giá điện bình quân ở Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia dao động từ 8-9 UScent/kWh, ở Thái Lan là trên 10 UScent/kWh, Malaysia là 11 UScent/kWh và Philippines trên 20 UScent/kWh.
Tất cả các nước nói trên trừ Philippines đều có trợ giá điện, ước tính từ 36 đến 54%. Trong năm 2012, giá bán lẻ điện cho hộ tiêu dùng ở Trung Quốc là gần 8 UScent/kWh, ở Mỹ là gần 12, Liên minh Châu Âu gần 20, và ở Nhật Bản khoảng 26 UScent/kWh.
Báo cáo cho rằng, cắt giảm trợ giá 20% đối với than, 5% xăng dầu và 10% điện trong giai đoạn 3 năm, sẽ đem lại mức tiết kiệm tài khóa hàng năm là 0,59%, 1,25% và 1,98% GDP tương ứng trong các năm thứ nhất, thứ 2 và thứ 3.
Mức tiết kiệm này, cùng với hiệu quả năng lượng cao hơn, sẽ dẫn đến gia tăng tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm của đầu tư thực tế thêm 0,48% trong giai đoạn 3 năm và 0,72 % trong giai đoạn 8 năm so với thời điểm trước cải cách.