bloombergquint.com

 
Viết Nguyên Thứ Hai | 28/08/2017 12:30

Uber, Grab tăng giá cước: Qua thời giá rẻ

Với thu nhập khá trở lên, có nhiều khả năng những người dùng Uber/Grab sẽ không so đo quá nhiều về giá cước, chừng nào còn thấy hợp lý.

Từ ngày 24.8, tại TP.HCM, Uber đã tăng cước phí từ mức 7.000 đồng/km lên 8.500 đồng/km. Ngoài ra, cước phí thời gian di chuyển là 300 đồng/phút. Mức phí tối thiểu và hủy chuyến vẫn giữ nguyên ở mức 15.000 đồng.

Qua thời giá rẻ

Đại diện Uber Việt Nam cho biết mục đích tăng giá cước lần này là để “tạo thêm nhiều chuyến đi đáng tin cậy hơn” và “giúp các đối tác có mức thu nhập ổn định”. Với những chuyến đi ra sân bay tại Hà Nội, Uber cũng dự kiến điều chỉnh tăng cước nhằm cải thiện dịch vụ và hỗ trợ thu nhập cho tài xế. Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, Uber cũng từng triển khai tăng giá. Như vậy, sau 3 năm gia nhập thị trường, cước phí hiện tại của Uber đã thu hẹp đáng kể so với taxi truyền thống.

Không riêng gì ở Việt Nam, Uber cũng đã tăng giá cước ở các thị trường khác. Chẳng hạn, Uber đã tăng giá cước ở Hồng Kông lên 80%. Nguyên nhân được Uber thông báo là do các áp lực phải gánh chịu khi kinh doanh của Công ty không như mong đợi.

Thực tế, trên quy mô toàn cầu, năm 2016, Uber đã thua lỗ 2,8 tỉ USD. Ở Việt Nam, Uber không công bố con số cụ thể, nhưng không thể không thừa nhận một thực tế: hãng này đã đạt cột mốc ấn tượng trong lịch sử hoạt động của ngành taxi giá rẻ: đạt 5 tỉ chuyến xe, tính đến tháng 6.2017. Còn theo PitchBook, Uber hiện đang dẫn đầu bảng xếp hạng các doanh nghiệp startup tại Mỹ, với trị giá khoảng 68 tỉ USD. Benchmark, một công ty đầu tư của Mỹ, dự đoán, mức định giá này có thể còn lên đến 100 tỉ USD. Tại Việt Nam, theo các thông tin đã công bố, tốc độ tăng trưởng của Uber tại thị trường Việt Nam cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Số lượng người dùng của Uber tại Việt Nam đã chạm mốc 4 triệu lượt. Thời gian hoạt động trung bình khoảng 40 tiếng/tuần/tài xế.

Uber, Grab tang gia cuoc: Qua thoi gia re

Đối với Grab, giá cước hiện tại cho dòng taxi 4 chỗ là 9.000 đồng/km và 300 đồng/phút cho thời gian di chuyển. Grab cũng áp dụng giá phí tối thiểu 20.000 đồng cho mỗi chuyến dưới 2km. Ở thị trường Hà Nội, cước phí này rẻ hơn, chỉ 8.500 đồng/km. Đây là mức phí Grab đã tăng từ ngày 13.3 năm nay. 

Cũng như Uber, Grab tăng giá cước vì mục đích giảm dần bù lỗ, bên cạnh các mục tiêu như cải thiện chất lượng dịch vụ. Theo thông tin từ Grab, năm ngoái, hãng này thua lỗ 443 tỉ đồng tại Việt Nam.

Không đáng lo ngại

Căn cứ bảng giá cước, so sánh loại 4 chỗ ngồi thì giá taxi Uber hay Grab vẫn đang rẻ hơn 20-25% so với các hãng như Mai Linh, Vinasun. Đó là chưa tính đến những tiện ích sử dụng như xe đẹp, sạch sẽ, tài xế lịch sự, giá cả đã được ấn định trước… Đặc biệt, Grab vẫn liên tục có những chương trình khuyến mãi, cung cấp những mã giảm giá riêng cho khách hàng. Với các ưu điểm này, theo chuyên gia Trần Bằng Việt, giá cước taxi tăng hay giá lên cao trong những giờ cao điểm cũng không thực sự tác động mạnh. Cho dù Uber, Grab có nâng giá về ngang bằng với các hãng taxi truyền thống thì vẫn thu hút được khách hàng.

Bằng chứng là một nghiên cứu từ Q&Me, khảo sát gần 700 người lứa tuổi từ 18-39 tại Hà Nội và TP.HCM mới đây đã chỉ ra, taxi truyền thống chỉ vượt mặt ứng dụng gọi xe của Grab/Uber trong 2 trường hợp là thời tiết xấu và di chuyển đến sân bay. Đáng chú ý, 61% người khảo sát cho rằng, so với một năm trước, họ đã ít sử dụng thường xuyên taxi truyền thống. Thay vào đó, họ chọn Uber/Grab. Đa số người dùng Uber, Grab có điều kiện kinh tế ổn định. Chẳng hạn, phần lớn người dùng Uber có thu nhập hằng tháng từ 9 triệu đồng, theo Q&Me.

Với thu nhập khá trở lên này, ông Trần Bằng Việt cho rằng, người tiêu dùng sẽ không so đo quá nhiều về giá cước taxi, chừng nào còn thấy hợp lý. Đối với Grab, hãng này đã tăng giá cước phí từ tháng 3.2017 nhưng đến 68% người tham gia khảo sát cho biết, họ vẫn dùng Grab thường xuyên và nhiều hơn cả Uber. Mới đây, Grab còn triển khai thêm dịch vụ GrabCar và Grab Taxi tại Quảng Ninh.

Rõ ràng, từ nghiên cứu của Q&Me, các hãng truyền thống có thể nhìn thấy được tâm lý, thói quen lựa chọn của khách hàng để điều chỉnh lại hoạt động, nhằm thu hút thêm khách hàng. Dựa trên báo cáo của Q&Me thì cơ hội cho các hãng truyền thống vẫn còn, khi 75% người khảo sát cho biết, họ vẫn sử dụng dịch vụ taxi của cả truyền thống lẫn ứng dụng đặt xe thông minh.

Khách hàng đã và sẽ là người chủ động trong chọn lựa hãng taxi nào họ thích. Theo Q&Me, tiêu chí ưu tiên quan tâm của họ vẫn là giá và khuyến mãi. Vì thế, các chuyên gia marketing cho rằng, các hãng taxi truyền thống nên tận dụng cơ hội về giá cước của Grab, Uber đang ngày càng rút ngắn chênh lệch, để tạo ra sự chuyển dịch có lợi cho mình.

Thực tế, nếu giá cả về mức ngang bằng, các hãng truyền thống sẽ có ưu thế hơn Grab/Uber trong phân khúc khách gọi taxi dọc dường. Chưa kể, một lượng khách hàng từ doanh nghiệp và những khách hàng chưa quen sử dụng điện thoại thông minh vẫn đang dùng dịch vụ taxi truyền thống. Đây là lãnh địa mà các hãng taxi truyền thống có kinh nghiệm và thế mạnh để đẩy mạnh khai thác.

Rõ ràng, giá cước taxi Uber, Grab tăng có lợi cho chính những hãng này trong việc cân đối lại tài chính, tổ chức hoạt động, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội giành lại khách hàng cho các hãng truyền thống. Cạnh tranh trên thị trường taxi nhờ thế sẽ đi theo hướng sòng phẳng hơn. Còn với khách hàng, ông Trần Bằng Việt nhấn mạnh, họ sẽ không chịu thiệt hại gì. Bởi họ vẫn có thể cùng lúc đặt lên bàn cân so sánh và chủ động quyết định mình sẽ sử dụng dịch vụ của hãng nào.

Viết Nguyên