UBCK đã hoàn tất xây dựng Nghị định hướng dẫn riêng về chứng khoán phái sinh
Việc xây dựng và đưa vào vận hành một thị trường chứng khoán có hiệu ứng đòn bẩy cao là thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam trong bối cảnh thị trường chứng khoán cơ sở (cổ phiếu, trái phiếu) còn nhiều biến động vừa là một nhu cầu cấp thiết của cơ chế phòng vệ rủi ro, đồng thời là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng của các thành viên thị trường.
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm phái sinh tại Việt Nam
Tại Việt Nam, sự biến động khó lường của giá cả hàng hoá, lãi suất, tỷ giá hối đoái, chứng khoán… là những nguyên nhân gây ra rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia các thương vụ giao dịch.
Để hạn chế những rủi ro này, các nghiệp vụ tài chính phái sinh đã được hình thành và từng bước đưa vào hoạt động. Trước nhu cầu đó, một số sản phẩm phái sinh xuất phát từ công cụ gốc là cà phê, hạt điều, vàng, lãi suất và hối đoái đã hình thành và phát triển ở các mức độ khác nhau.
Phái sinh tiền tệ là loại công cụ phái sinh xuất hiện sớm nhất, diễn ra chủ yếu ở các ngân hàng, trong đó ngân hàng là một bên trong hợp đồng và bên còn lại có thể là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp hoặc định chế tài chính.
Trong thời gian đầu, phái sinh tiền tệ chỉ tập trung vào một số ít ngân hàng lớn của Nhà nước (Vietcombank, Techcombank, Eximbank) và một số ngân hàng nước ngoài (HSBC, Citibank...) nhưng vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều ngân hàng thương mại trong nước giới thiệu và cung cấp các loại sản phẩm phái sinh tiền tệ. Tuy nhiên, số lượng khách hàng còn ít, khối lượng giao dịch cũng khá nhỏ so với nhu cầu có thật của thị trường về phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lãi suất.
Trên thị trường hàng hóa, các giao dịch kỳ hạn và tương lai đối với các hàng hóa cơ bản như gạo, cà phê, cao su, thép được các doanh nghiệp sử dụng nhiều trên các Sở giao dịch phái sinh nước ngoài như COMEX (SGD vàng, cao su, tơ lụa và gia súc) hoặc LME (SGD kim loại London)…
Thị trường hàng hóa trong nước có 3 sàn giao dịch là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam và Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín…, đã bước đầu triển khai một số sản phẩm phái sinh như SGD hàng hóa Việt Nam (VNX) thực hiện niêm yết và giao dịch Hợp đồng tương lai của 3 nhóm hàng hóa gồm: cà phê (Robusta và Arabica), cao su (RSS3) và thép thỏi cán nóng (HRC). Nhưng đa phần các giao dịch phái sinh cũng mới chỉ dừng ở mức thăm dò, thử nghiệm, sự tham gia của các DN XNK và nhà đầu tư còn hạn chế.
Như vậy, sự xuất hiện của các sản phẩm phái sinh trên thị trường phi tập trung đã khẳng định nhu cầu của nhà đầu tư với loại công cụ mới này. Tuy nhiên, các sản phẩm phái sinh còn mang tính tự phát, thiếu sự quản lý của nhà nước và mang tính rủi ro cao. Điều này đặt ra yêu cầu thiết lập một thị trường phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở là chứng khoán, có cơ chế pháp lý đầy đủ và được vận hành dưới sự quản lý của Nhà nước.
Lựa chọn mô hình tổ chức nào cho thị trường phái sinh?
Tại Quyết định 252/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020 đã đặt ra việc xây dựng TTCK phái sinh tại Việt Nam theo lộ trình thích hợp, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường vốn và cấu trúc lại mô hình tổ chức thị trường chứng khoán theo hướng tổ chức lại các sàn giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và hình thành sàn giao dịch phái sinh có tổ chức. Vì vậy, việc xây dựng TTCK phái sinh tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trên cơ sở triển khai xây dựng Đề án về thị trường phái sinh tại Việt Nam và xây dựng Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh.
Thị trường phái sinh tập trung và thị trường phái sinh phi tập trung (OTC) là hai thị trường hoàn toàn khác nhau và đối tượng tham gia cũng khác nhau. Việc phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường phái sinh tập trung cũng đòi hỏi nhiều hơn so với cơ sở hạ tầng dành cho thị trường phái sinh phi tập trung (OTC) và lựa chọn này cũng dẫn đến các lựa chọn tiếp theo về loại công cụ phái sinh, hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán, bù trừ và cơ chế quản lý, giám sát. Do đó, việc thiết lập TTCK phái sinh tập trung trong điều kiện hiện nay được UBCKNN đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tiễn và cho phép cơ quan quản lý có những chuẩn bị kỹ lưỡng về hành lang pháp lý cho vận hành thị trường cũng như bảo vệ nhà đầu tư trước những rủi ro giao dịch và thanh toán.
Những loại sản phẩm phái sinh nào sẽ được phát triển?
Về mặt lý thuyết, có rất nhiều loại tài sản khác nhau ở Việt Nam có thể cho phép thực hiện giao dịch phái sinh. Với dân số khoảng 90 triệu người và một nền kinh tế sản xuất nhiều hàng hóa thì các lựa chọn là rất rộng. Nhưng một thực tiễn là các tài sản cơ sở khác nhau hiện được quản lý bởi các cơ quan chủ quản khác nhau. Phái sinh hàng hóa đặt dưới sự quản lý của Bộ Công Thương và đã được điều chỉnh bởi Luật Thương mại 2005; Các giao dịch phái sinh tiền tệ lại do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý. Mỗi loại giao dịch phái sinh tiền tệ được quy định bởi một văn bản riêng của NHNN, chưa có văn bản quy định thống nhất.
Trong khi đó, lĩnh vực chứng khoán do Bộ Tài chính quản lý, trực tiếp là UBCKNN. Một số khái niệm cơ bản về chứng khoán phái sinh đã được quy định trong Luật Chứng khoán. Việc lựa chọn các chứng khoán phái sinh dựa trên công cụ cơ sở (gốc) là chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số chứng khoán... là cơ sở ban đầu cho hoạt động giao dịch. Các chứng khoán cơ sở phải đáp ứng được một số tiêu chí về tính thanh khoản, chất lượng của dòng thông tin về giao dịch tài sản cơ sở và các liên kết về công nghệ thông tin, thẩm quyền quản lý đối với tài sản cơ sở
Do vậy, việc chọn lựa các sản phẩm phái sinh ban đầu đưa vào hoạt động cần được chuẩn hóa ngay từ đầu và đi từ mức độ thấp đến cao, phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và mức độ chấp nhận rủi ro của thị trường. Theo kinh nghiệm của các thị trường phái sinh trong khu vực, các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số (index future; index option), phái sinh dựa trên trái phiếu (bond future) là sản phẩm giao dịch đầu tiên, sau đó phát triển lên các sinh dựa trên cổ phiếu (stock option; stock future) và về lâu dài cần thống nhất xây dựng một thị trường phái sinh cho tất cả các công cụ gốc là chứng khoán, vàng, lãi suất, hối đoái và hàng hóa.
Khung pháp lý nào cho thị trường?
UBCKNN đã hoàn tất việc xây dựng một Nghị định hướng dẫn riêng về tổ chức và giao dịch chứng khoán phái sinh (CKPS) để trình Chính phủ ban hành trong năm 2013. Nghị định là một văn bản dưới Luật và hướng dẫn Luật Chứng khoán. Trên cơ sở Nghị định, SGDCK Việt Nam (theo mô hình định hướng) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sẽ xây dựng các Quy chế hướng dẫn về giao dịch và thanh toán, bù trừ cho các CKPS gắn với các hoạt động nghiệp vụ của mình.
Ủy ban cũng sẽ trình Bộ Tài chính để bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các đối tượng tham gia TTCK phái sinh, quy định về công bố thông tin, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh CKPS, quy định về thuế, phí trên TTCKPS… để bảo đảm một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ giúp cho thị trường vận hành hiệu quả, ổn định.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng việc thiết lập thị trường phái sinh gắn liền với việc tái cấu trúc TTCK. Chúng ta đang hướng tới mô hình sáp nhập các Sở GDCK thành một Sở giao dịch thống nhất như nhiều quốc gia đã và đang thực hiện, có đầy đủ các loại thị trường từ thị trường thanh toán bằng tiền (cash market) tới thị trường phái sinh (derivatives market).
Nguồn Báo Hải quan