Ảnh: QH.

 
Việt Dũng Thứ Năm | 16/05/2019 10:00

Uẩn ức cổ tức ngân hàng

Áp lực tăng vốn buộc các ngân hàng càng phải “ngâm” cổ tức, khiến nhiều cổ đông không vui.

Trong 2 năm gần đây, các ngân hàng quốc doanh thường trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 7-8%, dù cho trước đó đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hay chỉ trả bằng cổ phiếu. Nhưng đến thời điểm này thì đã khác, thời hạn áp dụng các chỉ tiêu an toàn mới đã cận kề, trong khi dự thảo quy định an toàn mới thì lại ngày càng khắt khe hơn. Không chỉ có lãnh đạo các ngân hàng lên tiếng về những khó khăn trong việc tăng vốn, mới đây, ông Đào Anh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định các ngân hàng cần phải tăng vốn trong bối cảnh hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR đã đạt ngưỡng tối thiểu. Vì thế, đại diện cơ quan quản lý cho biết các tổ chức tín dụng có thể được sử dụng nguồn cổ tức để tăng vốn, hiện đang chờ tham gia góp ý từ các bộ ngành trước khi trình Thủ tướng xem xét.

Với các ngân hàng quốc doanh, kế hoạch cổ tức cụ thể còn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan quản lý nên khó nói trước được thời điểm. Trong khi đó, khối ngân hàng tư nhân cũng có nhiều biến động mới, như trường hợp VPBank mới đây quyết định không chia cổ tức. Theo ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPbank, trong năm nay, ngân hàng này tạm thời chưa chia cổ tức, kể cả cổ phiếu lẫn tiền mặt để đảm bảo năng lực tài chính theo chuẩn Basel II.

Uan uc co tuc ngan hang
 

Trước đó, tại kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm ngoái, Ban Lãnh đạo ngân hàng này khá tự tin khi nhấn mạnh rằng nếu kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2018 thì cổ tức và cổ phiếu thưởng có thể lên đến con số 70%. Trên thực tế, năm 2018 VPBank không đạt được con số lợi nhuận như kỳ vọng đặt ra, dù lợi nhuận vẫn tăng hơn 13%, đạt gần 9.200 tỉ đồng.

Tuy nhiên, quy mô lợi nhuận cũng không hẳn là yếu tố chính dẫn đến quyết định chia cổ tức, rõ nhất ở trường hợp Techcombank. Năm 2018, ngân hàng này cũng phá kỷ lục khi tổng lợi nhuận trước thuế lên đến hơn 10.600 tỉ đồng, nhưng vẫn không chia cổ tức. Đại diện lãnh đạo Techcombank nhiều lần khẳng định, lợi nhuận giữ lại là một chiến lược giúp gia tăng giá trị Ngân hàng trong dài hạn.

Đứng trên tâm thế của cổ đông, việc không chia cổ tức khiến họ cảm thấy ngao ngán với cổ phiếu ngân hàng, nhất là những cổ đông sở hữu cổ phiếu lâu năm, vốn chịu nhiều thiệt thòi khi giá cổ phiếu ngân hàng giảm so với thời kỳ trước. Trên thực tế, các ngân hàng chia cổ tức trong các năm qua đa phần lại bằng cổ phiếu, nên cổ đông cũng không hoàn toàn hài lòng. Tại các kỳ đại hội cổ đông thường niên diễn ra trong nhiều năm trở lại đây, cổ đông ngân hàng vẫn liên tục hỏi về cổ tức. Tuy nhiên, có một thực tế là các ngân hàng hiện đang phải tái cấu trúc và vấn đề trả cổ tức phải được cơ quan quản lý phê duyệt, chứ không phải muốn trả là được. Chẳng hạn như ở trường hợp của Sacombank, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cho biết Ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc thì quy định là không được chia cổ tức, nhưng cũng đã trình cơ quan quản lý xem xét được chia cổ tức, hiện vẫn chờ quyết định cuối cùng.

Vấn đề cổ tức ở các ngân hàng sẽ là câu chuyện trong nhiều năm tới, vì liên quan đến việc xử lý tài sản xấu ở các ngân hàng thương mại. Dự thảo thông tư mới về hoạt động mua bán xử lý nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thay thế cho Thông tư năm 2013, đưa vào quy định rằng các tổ chức tín dụng sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt, để nâng cao năng lực tài chính và có cơ sở để xử lý các loại trái phiếu đặc biệt.

Còn nếu nhìn về ngắn hạn trong năm nay, vấn đề cổ tức còn chịu nhiều sức ép vì đã đến sát kỳ hạn cuối cùng mà ngân hàng phải thực hiện các chỉ tiêu an toàn mới. Trên thực tế, trong năm nay nhiều ngân hàng nhỏ ứng phó bằng cách không chia cổ tức, như ABBank hay KienlongBank.Trong khi đó, ở một số ngân hàng vừa và nhỏ vẫn tiếp tục chia cổ tức ổn định. Chẳng hạn như Ngân hàng ACB năm nay dự kiến chia cổ tức với tỉ lệ 10% bằng tiền mặt, 20% là cổ phiếu (năm ngoái là 14% bằng cổ phiếu). Hay VIB thông qua phương án trả 5,5% bằng tiền mặt, 18% cổ phiếu thưởng và 3% từ cổ phiếu quỹ. Ngân hàng Nam Á dự kiến chia 16% nhưng chưa rõ hướng cụ thể.

Uan uc co tuc ngan hang
 

 Còn với Ngân hàng Quân Đội vừa trả cổ tức năm 2018 đợt 1 bằng tiền mặt với tỉ lệ 6%, dự kiến còn 8% bằng cổ phiếu.Năm ngoái, MB đã phát hành thêm cổ phiếu để chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông, với tổng tỉ lệ lên đến 19%. Đây cũng được xem là một phương án giúp Ngân hàng tăng vốn, khi đa phần đều phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng. Tỉ lệ này còn lên rất cao ở nhiều ngân hàng như VIB hơn 41%, hay VPBank lên gần 62%. Techcombank năm ngoái cũng phát hành cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông để tăng vốn lên gấp 3 lần.

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng MB, cho biết vấn đề chia cổ tức sẽ phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh hằng năm. Trong khi đó, áp lực lên các ngân hàng về khía cạnh kinh doanh cũng ngày càng rõ hơn khi kinh tế thế giới biến động không ngừng, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra chỉ có 14%. Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tính đến ngày 17.4.2019, tăng trưởng tín dụng ở mức 3,23% so với đầu năm, thấp hơn so với con số 2 năm trước đó.

Một số ngân hàng sẽ được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tùy vào khả năng tài chính và năng lực kinh doanh, nhưng nhìn chung thị trường toàn ngành cũng sẽ bị ảnh hưởng.