Tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng qua lời kể của Forbes
Forbes ước tính khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD phần lớn đến từ 53% số cổ phần ông sở hữu trong tập đoàn Vingroup (HSX VIC) - tập đoàn phát triển bất động sản do chính ông thành lập nên và là doanh nghiệp đứng thứ 5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam về giá trị.
Theo quan điểm của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là một con người khá điềm đạm và kín đáo. Lời nhận xét này được rút ra từ sự kiện ông tham dự lễ khánh thành trung tâm thương mại trị giá 500 triệu USD ngay giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh. Trong buổi lễ, không như nhiều qua khách khác, dù là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng, xong ông Vượng không uống rượu, cắt băng khánh thành hay đưa ra bất cứ lời phát biểu nào. Thay vào đó, vị tỷ phú 44 tuổi chỉ lặng lẽ theo dõi buổi lễ ở hàng ghế trước.
"Tôi là người thích nhấm nháp niềm vui của bản thân mình", ông Vượng giải thích trong một buổi phỏng vấn hiếm hoi tại văn phòng ở Hà Nội.
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội. Cha của ông từng tham gia chiến đấu trong lực lượng phòng không của Việt Nam, trong khi mẹ ông là một người bán hàng nước.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất, Việt Nam bắt đầu phải đối mặt với cuộc chiến kinh tế đầy khốc liệt. Nền tài chính sau chiến tranh gần như bị phá hủy hoàn toàn. Cũng như bao gia đình khác thời điểm đó, gia đình ông Vượng sống hết sức khó khăn và kinh tế gia đình đều đổ dồn lên vai người mẹ. "Giấc mơ của tôi khi đó không lớn lắm. Tôi chỉ muốn làm gì đó để hỗ trợ gia đình", ông Vượng nhớ lại.
Với quyết tâm đó, ông Vượng cố gắng thoát khỏi cảnh nghèo thông qua học hành. Ngay từ nhỏ, ông Vượng đã nổi tiếng là học sinh giỏi toán và nhanh chóng giành được một suất học bổng về chuyên ngành khai thác nguyên liệu tại Viện Khảo sát địa chất Matxcơva.
Đến năm 1993 ông tốt nghiệp song khó khăn vẫn đeo bám ông. Sự kiện liên bang Xô Viết sụp đổ đã mở ra một thời kỳ mới cho Việt Nam. Chính phủ Việt Nam khi đó đã thực hiện nhiều thử nghiệm, đổi mới và cải cách nhằm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế.
Sau khi kết hôn, ông Vượng quyết định tiếp tục ở nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn thời hậu Xô Viết. Vợ chồng ông đã chuyển tới sống ở Ukraine - quốc gia thuộc liên bang cũ có nền tài chính ít khó khăn hơn. Tại đây, ông đã mở một quán ăn theo phong cách Việt Nam sau khi vay mượn được 10.000 USD từ người thân và bạn bè.
Nhanh chóng bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, ông Vượng bắt đầu chuyển sang làm mỳ ăn liền và sử dụng một dây chuyền làm mỳ nhập từ Việt Nam. Có thể nói, ông Vượng chính là người đã giới thiệu mỳ ăn liền cho người dân Ukraine thời điểm đó, và đó cũng là thành công đầu tiên mà ông nhớ được.
Nhưng tại thời điểm có được thành công đầu tiên, ông Vượng lại phải đối mặt với một nguy cơ đồng thời là một thử thách lớn. Thay vì tiếp tục điều hành cơ sở sản xuất mỳ ăn liền nhỏ, ông đặt cược mọi thứ có được để đi vay tiền với lãi suất cực cao 8%/tháng nhằm mở rộng sản xuất loại hỗn hợp gia vị mỳ mà các nhà đầu bếp thường dùng để các loại nấu mỳ phù hợp theo từng mùa. Ông nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine bằng cách sản xuất gần nửa triệu gói gia vị như vậy.
Ngay lập tức, những người dân địa phương đã nhanh chóng thích thú với loại gia vị mới và ông Vượng cũng được mệnh danh là "Vua chế biến thực phẩm của Ukraine". Đến năm 2010, ông Vượng đã bán lại công ty với một giá rất tốt cho Nestle.
Có được thành công ở Ukraine, ông Vượng đã mang toàn bộ số tiền có được từ đế chế mỳ ăn liền của mình về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội lớn hơn tại quê nhà.
Thời điểm ông Vượng trở về cũng là lúc kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn bùng nổ sau khi tránh được cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Vào năm này, Việt Nam đã chính thức bình thường hóa quan hệ thương mại với Mỹ và tái khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân. Kể từ năm 2000-2006, tăng trưởng kinh tế Việt Nam mỗi năm đều đạt ít nhất 6%.
Nhanh chóng nắm lấy thời cơ, ông Vượng đã tham gia vào một dự án nhỏ tại thành phố biển Nha Trang. Khi đó ông Vượng tự đặt cho mình câu hỏi: Tại sao không biến hòn đảo nhỏ bé bên ngoài bờ biển Nha Trang thành một khu nghỉ mát sang trọng? Kết quả là khu nghỉ mát cao cấp 225 phòng Vinpearl Resort Nha Trang đã ra đời.
Không dừng lại với thành công đó, ông Vượng tiếp tục giới thiệu dự án Vincom Center Bà Triều - tòa tháp thương mại đầu tiên tại Hà Nội. 3 năm sau, ông tiếp tục xây mới 260 phòng tại Vinpearl, cùng với việc xây dựng đoạn xe cáp nối hòn đảo với đất liền.
Sau đó, ông còn tham gia nhiều dự án phát triển nhà cao cấp ở Hà Nội, bao gồm Vincom Village - khu biệt thự sang trọng với hàng trăm căn nhà cao cấp. Năm 2007, tập đoàn Vincom của ông chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng, trong khi ông vẫn duy trì Vinpearl là một doanh nghiệp độc lập trong mảng kinh doanh khu nghỉ mát cao cấp. Đến năm 2012, ông quyết định sáp nhập cả 2 thành tập đoàn Vingroup.
Tỷ lệ thuận với khối tài sản khổng lồ, danh tiếng Phạm Nhật Vượng cũng nhanh chóng bay xa khắp Việt Nam và thế giới. Theo Forbes, mặc dù là người giàu nhất Việt Nam - cũng sở hữu những khu biệt thự và xe siêu sang như bao tỷ phú khác - song ông Phạm Nhật Vượng vẫn sống một cuộc sống khá giản dị. Ông có sở thích xem phim võ thuật và ham thích công việc chứ không có thú dạo lòng vòng trên chiếc xe Bentley siêu sang của mình.
Khi nói về bí mật thành công của ông Vượng, tờ Forbes cho biết ông luôn tập hợp quanh mình những con người cùng chung chí hướng với ông. Những người đồng hành cùng ông đều là những người tham vọng và mong muốn có được một cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình.
Bên cạnh đó, ông cũng nhận định Việt Nam là một thị trường mang tiềm năng lớn - trong đó hơn 60% trong tổng số 90 triệu người Việt Nam là những người có độ tuổi dưới 40. Không chỉ xây dựng căn hộ và biệt thự sang trọng, ông Vượng còn tham gia vào các dự án vì cộng đồng như xây bệnh viện, tòa nhà văn phòng hay trung tâm mua sắm để phục vụ người dân.
Một điều quan trọng không kém làm nên thành công của ông Vượng, đó là ông luôn là người tuân thủ chặt chẽ thời gian và không bao giờ sai hẹn. Trong khi nhiều công trình bất động sản ở Việt Nam luôn trong tình trạng sai hẹn và chậm trễ, các dự án của ông Vượng đều hoàn thành đúng tiến độ. Đơn cử như dự án Vincom Center ở thành phố Hồ Chí Minh, hoàn thành chỉ sau 19 tháng.
Trong năm 2012, trong khi hầu hết các công ty bất động sản khác đều mắc kẹt vì nợ xấu và doanh số bán hàng tụt thảm hại, tập đoàn Vingroup của ông Vượng vẫn đạt 1,7 tỷ USD doanh số bán hàng và đặt trước [tính lũy kế đến 31/12/2012]. Điều đó giúp tài sản của ông Vượng tăng tới 300 triệu USD tại thị trường trái phiếu quốc tế, Credit Suisse cho biết.
Khi nói về ước mơ của mình, ông Vượng mong muốn một ngày nào đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một Hong Kong hay Singapore của Việt Nam.
"Nếu tôi có thể làm điều đó, dù phải tốn vài tỷ USD, tôi cũng sẵn lòng. Tôi sẽ để lại mọi thứ vì khi chết đi chẳng ai mang được tiền theo", ông Vượng chia sẻ.
Nguồn Khampha/Forbes