Tỷ phú Chính Chu nghi ngờ Dell 'thổi giá' công ty
Sau thông tin Tập đoàn Blackstone rút khỏi cuộc đua với tỷ phú đầu tư Carl Icahn nhằm mua lại Tập đoàn máy tính Dell, Bloomberg dẫn lời một nguồn tin cho biết nguyên nhân. Trong đó có một phần vì David Johnson (người cùng tỷ phú gốc Việt Chính Chu chỉ đạo đàm phán) đã thôi ủng hộ kế hoạch này.
Cụ thể, Johnson đã nhận ra mảng Giải pháp doanh nghiệp, vốn được ca tụng là tương lai của Dell, thực chất còn vài năm nữa mới đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nguồn tin cũng tiết lộ, các nhân vật cốt lõi của bộ phận trên đã hoặc sẽ rời Dell nếu vụ mua bán với Blackstone hoàn tất.
Trong lúc các chuyên gia và cố vấn của Blackstone đang nghiên cứu dữ liệu của Dell thì nhận tin doanh số mảng PC toàn cầu giảm kỷ lục, khiến cả đội nghi ngờ về tính khả thi của thương vụ.
Về phần Chính Chu, ông đã nêu rõ trong một lá thư gửi Ủy ban đặc biệt của Dell để thông báo về quyết định rút lui của Blackstone: "Tôi rất tiếc khi phải thông báo Blackstone sẽ không theo đuổi cơ hội này nữa". Trong thư, Chính Chu cũng trích dẫn số liệu về mức doanh thu giảm chưa từng có của mảng PC và gọi đây là "điều mâu thuẫn" với những con số mà Dell đưa ra.
Blackstone đã lên kế hoạch cùng với đối tác huy động vốn bằng cổ phiếu và nợ, cùng tiền mặt để mua lại Dell. Nhưng lá thư của Chu đã đặt dấu chấm cho dự định đó. Bên cạnh doanh số giảm, Chính Chu còn bày tỏ lo ngại về "tình hình tài chính đang xấu đi nhanh chóng" của Tập đoàn Dell. Cuối tháng 3, công ty đã hạ dự báo lãi hoạt động năm 2013 xuống còn 3 tỷ USD, thấp hơn 19% so với mức công bố ở thời điểm biết Blackstone có ý định mua lại.
Công ty của Chính Chu chưa bao giờ bị hoài nghi về tài chính. Trong vụ Dell cũng vậy, họ được một loạt "ông lớn" như Morgan Stanley, HSBC Holding Plc, UBS AG... cam kết tài trợ vốn. Một nguồn tin cho hay, Deutsche Bank vốn "chống lưng" cho Silver Lake để cùng Michael Dell mua lại toàn bộ công ty (với giá 24,4 tỷ USD), nhưng đã tính chuyện rời liên minh này để về phe Blackstone.
Cùng với tài chính, nhân sự cũng là lý do khiến Blackstone phải "chùn chân". Ban đầu, cả Chính Chu lẫn David Johnson đều cho rằng có thể mua Dell mà không cần đến vai trò của Michael Dell và sẵn sàng thay thế bằng một ứng viên khác vào chiếc ghế CEO. Nhưng đôi bên đã nhanh chóng nhận ra họ cần nhau. Blackstone phải có Michael để ổn định nhân sự, những người trung thành với lãnh đạo và sáng lập viên của công ty. Nhưng Michael lại đối nghịch với Blackstone, tuyên bố thẳng rằng không muốn thỏa thuận với Silver Lake bị đánh bại bởi đối thủ sẵn sàng hất cẳng mình, dù bán được công ty với giá tốt.
Blackstone đã tính nước giữ lại Michael Dell làm CEO, thuê một COO từ công ty khác nhằm tránh làm khách hàng và lãnh đạo cao cấp của tập đoàn khó chịu. Nhưng quá trình soát xét đặc biệt và lên kế hoạch tạo ra căng thẳng với những người đứng đầu công ty, Blackstone nhận ra nhóm người này ưng thỏa thuận giữa Michael Dell - Silver Lake hơn. Chuyện này dấy lên nỗi lo về khả năng giữ nhân tài sau khi Chính Chu và đồng sự thâu tóm được Dell.
Giữa những thông tin không tốt về tài chính Dell, doanh số PC toàn cầu đi xuống, chuyện nhân sự... đội soát xét của Blackstone ngày càng nhìn thương vụ mua lại tiêu cực hơn. Cứ vài ngày, thông tin mới về quá trình xử lý dữ liệu lại cho thấy đầu tư vào Dell lúc này càng rủi ro. Ngày 18/4, Ủy ban đầu tư của Blackstone họp và quyết định rút lui.
Còn Carl Icahn, tỷ phú đầu tư sẵn sàng chi 15 USD một cổ phiếu để mua lại 58,1% Dell mới đồng ý với yêu cầu không sở hữu quá 10% tập đoàn. Dell cũng đề nghị "doanh tặc" này không bắt tay với các cổ đông khác để lập nên nhóm sở hữu quá 15% giá trị công ty. Erik Gordon, giáo sư tại trường Đại học Kinh doanh Ross nhận định: "Thỏa thuận này cho thấy ban lãnh đạo của Dell xem xét nghiêm túc về trường hợp của Icahn". Trước đó, ngày 10/4, Carl đã được chính quyền cho phép mua tối đa 25% cổ phiếu đang lưu hành của Dell.
(Theo VNExpress)