Thứ Ba | 28/05/2013 17:26

Tỷ lệ thuế phí cao, thâm hụt ngân sách Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á

Trung bình giai đoạn 2009-2011, thâm hụt ngân sách Việt Nam thuộc diện cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, khoảng 3,7% GDP
Theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, bức tranh tổng thể về tài khóa cho thấy Việt Nam đã và đang theo đuổi những chính sách có định hướng thâm hụt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thâm hụt ngân sách Việt Nam thuộc diện cao nhất trong khu vực

Thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc của Việt Nam trung bình trong giai đoạn 2003-2007 chỉ là 1,3% GDP. Tuy nhiên, do định hướng kích thích tổng cầu của chính sách tài khóa nhằm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách giai đoạn 2008-2012 đã tăng gấp đôi lên 2,7% GDP.

Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế thì con số thống kê của Bộ tài chính (MoF) như trên chưa phản ánh đúng bản chất của thâm hụt tài khóa ở Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, tính riêng năm 2009, thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc theo báo cáo của MoF là 3,7% GDP trong khi con số tương ứng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) lần lượt là 3,9% và 7,2%.

Trung bình giai đoạn 2009-2011, thâm hụt ngân sách Việt Nam thuộc diện cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, khoảng 3,7% GDP. Con số này lớn gấp 3 lần so với Indonesia, gấp 2 lần Trung Quốc và 1,5 lần Thái Lan.

Thâm hụt ngân sách vẫn rất nghiêm trọng ngay cả khi tỷ lệ thuế phí cao

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu và viện trợ (không gồm thu kết chuyển) trong giai đoạn 2006-2010 là 29,3% GDP, trong đó nếu chỉ tính thu từ thuế và phí không kể thu từ dầu thô thì con số này là 20,3% GDP. Trong khi khoản thu này của Trung Quốc là 19,6%, Campuchia là 14,8%, Indonesia là 18,9% so với GDP.

Ngoại trừ năm 2009, Chính phủ thực hiện hàng loạt các biện pháp cắt giảm thuế để kích thích tổng cầu thì thu từ thuế và phí của Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tăng.

Đáng chú ý là trong khi tỷ trọng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đang có xu hướng giảm thì tỷ trọng thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu lại tăng nhanh.

Không chỉ thuế, tỷ lệ phí/GDP cũng cao gấp 1,2-1,8 lần so với các nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn phải trả các chi phí không chính thức cao.

Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, có tới hơn 52% số doanh nghiệp được hỏi phải chi trả dưới dạng tiền lót tay cho các cán bộ hành chính địa phương, 7% số doanh nghiệp phải chi trả tới hơn 10% tổng thu nhập của họ cho các khoản chi phí không chính thức.

Thu từ thuế/GDP cao đã hạn chế khả năng tích lũy và giảm đầu tư phát triển. Theo thống kê đưa ra trong báo cáo, FDI các năm gần đây chiếm khoảng 20% GDP trong toàn nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp FDI, ngoại trừ dầu thô, lại chỉ đóng góp trên dưới 10% tổng thu NSNN.

Mặc dù tổng thu thuế/GDP cao nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển là dấu hiệu xấu đối với sự phát triển dài hạn của đất nước.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện