Tỷ lệ thất nghiệp 2012 giảm do lao động thời vụ tăng
Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tại khu vực thành thị là 3,25%, khu vực nông thôn là 1,42% (Năm 2011 các tỷ lệ tương ứng là: 2,22%; 3,60%; 1,60%).
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 2,8%, trong đó khu vực thành thị là 1,58%, khu vực nông thôn là 3,35% (Năm 2011 các tỷ lệ tương ứng là: 2,96%; 1,58%; 3,56%)
Tổng cục Thống kê cho hay, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm năm 2012 giảm nhẹ so với các tỷ lệ tương ứng của năm 2011 nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước, từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm do lao động ở khu vực phi chính thức tăng trong những năm gần đây, liên tục 2 năm tỷ lệ lao động phi chính thức tăng 2%. Điều này cho thấy mức sống của người dân còn thấp, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển mạnh nên người lao động không chịu cảnh thất nghiệp kéo dài mà chấp nhận làm những công việc không ổn định với mức thu nhập thấp và bấp bênh, Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số - Lao động cho biết.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm, song xét về số tuyệt đối, số người thất nghiệp lại tăng. Đại diện Vụ thống kê Dân số - Lao động cho biết, năm nay, số người thất nghiệp là 931 nghìn, số người thiếu việc làm là 1,45 triệu, tăng khoảng 195 nghìn người so với năm ngoái.
Vị này cũng thừa nhận, hiện thanh niên, học sinh ra trường khó tìm việc làm. Năm 2012, số người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 - 24 chiếm tới gần 47%, trong đó nhóm thất nghiệp từ 20 - 24 tuổi liên tục tăng lên trong các quý năm qua. Tại 1/1/2012, tỷ lệ thất nghiệp của lứa tuổi 20 - 24 là 4,8% thì cuối năm nay ước lên tới 6,04%.
Năm ngoái, trong cuộc họp báo tổng kết năm 2011, giải thích cho việc tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam ở mức thấp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cũng cho biết, việc điều tra lao động thường diễn ra trong vòng 7 ngày, nếu trong khoảng thời gian đó người trong độ tuổi không làm việc gì, không có thu nhập, đang đi tìm việc... thì mới được tính là thất nghiệp.
Những trường hợp sinh viên tốt nghiệp nhưng phải làm việc phổ thông, bán hàng… được tính là sự chuyển dịch lao động giữa các ngành nghề. “Bản thân sinh viên ra trường, người mất việc làm cũng chưa chắc đã thất nghiệp ngay. Những người này có thể chuyển dịch sang khu vực phi chính thức, kinh doanh cá thể…”, đại diện Vụ thống kê Dân số - Lao động nói.
Nguồn Khampha