Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội trong Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 mở đầu bài phát biểu của mình bằng con số tỷ lệ thất nghiệp 1,84% vừa công bố trong thời gian qua gặp phải sự phản đối dữ dội của dư luận.
Bà Hương khẳng định số liệu trên là hoàn toàn đáng tin cậy, có cơ sở do đã dựa trên phương pháp thống kê chuẩn của Tổng cục Thống kê. Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, trong bối cảnh Việt Nam, mọi người nhìn vào con số để đánh giá cao hay thấp, tuy nhiên cần nhìn để thấy bức tranh toàn cảnh của thị trường lao động. "Chúng ta bàn chuyện tăng trưởng, nhưng không nhìn vào sự chuyển dịch cơ cấu việc làm", bà Hương nói.
Theo bà Hương, hiện nay sự chuyển dịch cơ cấu việc làm ở Việt Nam đang chuyển dịch chậm, tỷ lệ việc làm có thu nhập thấp còn cao. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ chủ cơ sở sản xuất kinh doanh giảm liên tục, phản ánh xu thế doanh nghiệp bị đóng cửa và phá sản so với cơ sở sản xuất. Trong khi đó, lao động gia đình lại có xu hướng tăng lên.
Bà Hương cho rằng đây là điều đáng báo động. Việc giảm tỷ lệ các chủ doanh nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong hộ gia đình sẽ có nguy cơ tăng việc làm dễ bị tổng thương, do vậy cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khủng hoảng để tiếp tục tạo việc làm.
Mức tăng việc làm giảm rất nhanh trong các năm gần đây do tác động của khủng hoảng kinh tế, cụ thể trước năm 2010, việc làm tăng trên 1,1-1,2 triệu mỗi năm, hiện tại chỉ tăng khoảng 800 ngàn mỗi năm, mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
Phản bác lại ý kiến trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng con số thất nghiệp 1,84% hoàn toàn là số liệu ảo, và cách tính tỷ lệ thất nghiệp này lại càng nguy hiểm.
Ông Lợi cho biết con số này không phải được tính theo cách tính của Bộ Lao động Xã hội mà của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Với quốc tế, điều tra này là chính xác, nhưng tại Việt Nam thì chưa phù hợp. Ông Lợi phân tích các nước điều tra tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực có quan hệ lao động, còn Việt Nam điều tra trong khu vực không có quan hệ lao động, trong khi tại Việt Nam, khu vực không có quan hệ lao động cao hơn khu vực có quan hệ lao động.
Ông Lợi dẫn cách tính của ILO, điều tra lao động thất nghiệp được thực hiện là số người mất việc làm/tổng lao động, việc điều tra này trong thời gian 7 ngày. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi chúng ta chọn mẫu 500.000 hộ để khảo sát đã là không chính xác, ngoài ra phương pháp điều tra cũng không được thực hiện đúng nên sự sai lệch về bản chất đã xảy ra.
Ông Lợi lấy thêm ví dụ, Bộ Lao động nêu 8 tháng đầu năm 2014 đưa được hơn 73.000 lao động đi nước ngoài, nhưng khi hỏi bao nhiêu người về nước trước hạn, Bộ Lao động lại không nắm được. Do đó, con số giải quyết việc làm cho lao động là không có căn cứ. Vị đại biểu nêu nhận định không thể dùng chỉ tiêu số lượng việc làm để làm chỉ tiêu pháp lệnh cho Quốc hội được, phải thay chỉ tiêu này bằng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, với cách tính tỷ lệ thất nghiệp như hiện nay thì thật nguy hiểm!
Nguồn Theo DVO