Tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đạt trên 34%
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) hôm 14/2 đã công bố khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo khảo sát này, khả năng cung cấp nguyên liệu, linh kiện trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam năm 2016 đạt 34,2%, tăng 2,1% điểm so với năm trước.
Năm 2015, tỷ lệ này là 32,1%. Năm 2014 là 33,2% trong khi hồi năm 2010 tỷ lệ này đạt 22,4%.
Tỷ lệ này năm nay tuy cao hơn Philippines (31,6%) nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc (68%), Thái Lan (57%), Indonesia (41%), Malaysia (37%).
So sánh giữa khu vực miền Bắc và khu vực miền Nam thì tỷ lệ ở khu vực miền Nam (35,4%) cao hơn ở miền Bắc (34,3%).
Chương trình khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại châu Á, châu Đại Dương được Jetro thực hiện từ tháng 10-11/2016.
Khảo sát cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời có lãi là 62,8%, tăng 4,0% điểm so với năm 2015, trong khi doanh nghiệp trả lời lỗ là 25,1%, tăng 1,1% điểm.
Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì trong ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu (EPE) và doanh nghiệp không gia công xuất khẩu (Non EPE) trả lời có lãi lần lượt khoảng 59% và 62%, thấp hơn mức trung bình so với tổng thể.
Về triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tương lai, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng.
Khoảng 88% doanh nghiệp cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh là “tăng doanh thu”. Trong ngành công nghiệp phi chế tạo, khoảng 63% số doanh nghiệp cho rằng lý do chính là “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.
Đối với lợi thế về môi trường đầu tư, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 15 quốc gia được cho là có “tình hình chính trị, xã hội ổn định”. Hơn một nửa số doanh nghiệp đánh giá cao về “quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng” và “chi phí nhân công rẻ”.
Nhật Duy