Tỷ lệ nợ xấu có thể giảm còn 3 – 3,5% trong năm 2014
Tại buổi tọa đàm trực tuyến về đầu tư năm 2014 do Diễn đàn đầu tư tổ chức sáng nay ngày 11/12/2013, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nguyên Phó chủ nhiệm UBGSTCQG nhận định, tín dụng năm 2014 nên phấn đấu tăng trưởng 15%. Mức này sẽ giúp cho các doanh nghiệp có đề án kinh doanh tốt dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng hơn năm 2013.
TS.Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trong khi đó cho rằng, mức tín dụng năm tới nên khoảng 12 – 14% là hợp lý. “Hiện nay doanh nghiệp vay vốn cảm thấy khó khăn chủ yếu là vì lãi suất vẫn còn cao so với khả năng sinh lời thực tế. Điều ấy có nghĩa là chúng ta cần có một môi trường kinh doanh tốt hơn, ổn định hơn, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cần được giải quyết thực sự. Đẩy mạnh tín dụng không phụ ”, ông Thành nhận xét.
Nhận định về tín dụng của TS.Lê Xuân Nghĩa và TS. Nguyễn Đức Thành cũng giống với các dự báo trước đó của các chuyên gia và tổ chức. Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu của ngân hàng BIDV cho rằng, kênh tín dụng sẽ tiếp tục là kênh chủ đạo của chính sách tiền tệ, NHNN sẽ tiếp tục các biện pháp tháo gỡ “nút thắt” tăng trưởng tín dụng như tập trung xử lý nợ xấu, hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên và mục tiêu tín dụng năm tới khoảng 13 - 15%.
Về vấn đề giải quyết nợ xấu, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, năm 2013 toàn hệ thống ngân hàng xử lý đc 30% tổng nợ xấu, tương đương với khoảng 100 nghìn tỷ đồng và năm 2014 dự kiến sẽ xử lý phần lớn số còn lại. Cuối năm 2014, nợ xấu toàn hệ thống có thể về 3 – 3,5%.
TS. Nguyễn Đức Thành trong khi đó lại có quan điểm nợ xấu chưa thể về 3% trong năm tới. VAMC vẫn chưa thật sự xử lý trực tiếp các khoản nợ xấu mà mới chỉ thực hiện các kỹ thuật hạch toán, giúp làm sạch bảng cân đối của một số ngân hàng. Ông Thành cho rằng, sang năm 2014, cần có những bước đi cụ thể hơn nữa đối với thị trường nợ xấu thì việc giảm nợ xấu mới có hiệu quả.
Nguồn CafeF