Thứ Ba | 30/09/2014 16:23

Tỷ lệ NIM trung bình nửa đầu năm giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2013

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, NIM ngân hàng giảm do tốc độ xử lý nợ xấu chậm và tổng cầu thấp.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng và tháng 9/2014.

Theo NFSC, lạm phát giảm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Lãi suất huy động VND phổ biến kỳ hạn 6 tháng giảm từ mức 7,2%/năm đầu năm 2014 xuống còn 6,1% ở 20/9. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm cũng giảm từ mức trên 7%/năm tại đầu năm xuống dưới 5%/năm vào giữa tháng 9/2014. Thanh khoản hệ thống tiếp tục ở trạng thái tốt, hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

Tiến độ xử lý nợ xấu chậm so với kỳ vọng cùng với tổng cầu thấp là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm. Điều này dẫn đến chênh lệch lãi suất toàn ngành (NIM) giảm, ảnh hưởng đến năng lực tài chính cũng như khả năng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu của hệ thống.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm các ngân hàng công bố, tỷ lệ NIM 6 tháng đầu năm 2014 của hầu hết các ngân hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Thu thập số liệu từ 15 tổ chức tín dụng, tỷ lệ NIM trung bình của 15 tổ chức này trong nửa đầu 2014 đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2013.

NFSC cho rằng, tiến độ xử lý nợ xấu chậm so với kỳ vọng do lợi ích của việc bán nợ xấu cho VAMC theo cơ chế hiện hành chưa đủ mức khuyến khích tổ chức tín dụng tích cực bán nợ xấu cho VAMC, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang thấp hơn đáng kể lãi suất tái cấp vốn đối với lãi suất trái phiếu của VAMC.

Một nguyên nhân khác nữa là do tiến độ phát mại tài sản đảm bảo phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Quan trọng hơn, thủ tục tố tụng, thi hành án kéo dài, nhiều rủi ro cùng với thủ tục phát mại rườm rà phức tạp là một trong những nguyên nhân kéo dài tiến độ xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng.

Nguồn Theo DVO/NFSC


Sự kiện