VietNamnet

 
Hải Vân Thứ Năm | 12/10/2017 10:18

Tỷ giá trung tâm giảm, một hiện tượng lạ

Tỷ giá có thể tăng lên 1% từ nay đến cuối năm trong trường hợp tình hình xấu nhất.

Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước giảm thể hiện tình hình ngoại hối lạc quan, tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, Chuyên gia ngân hàng - tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho đây là “hiện tượng lạ”.

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 10.10 ở mức 22.467 VND, giảm tiếp 2 VND so với ngày 9.10. Đây là phiên thứ hai liên tiếp tỷ giá này được điều chỉnh giảm.

Tỷ giá thường tăng về cuối năm. Nhưng sang năm nay, tỷ giá có lúc  tăng, lúc giảm và hiện tại là khá ổn định và nhiều khả năng duy trì được sự ổn định từ nay đến cuối năm.

Một câu hỏi đặt ra, hiện tượng tỷ giá giảm là từ đâu? Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói có hai nguyên nhân.

Thứ nhất, giá trị của đồng đô la trên thế giới giảm, chỉ số Index giảm, đang là hiện tượng khá bất thường cho nền kinh tế thế giới trong bối cảnh có nhiều biến động và các chính sách của Mỹ đến thời điểm này chưa rõ ràng.

Chính những điều này đã đẩy giá trị của đồng đô la giảm xuống. Về bản chất, cơ chế tỷ giá của Việt Nam là chế độ neo theo USD (neo tỷ giá cố định hoặc với biên độ được điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn), nên khi đồng đô la giảm giá, đồng Việt Nam có cơ hội giảm theo.  

Thứ hai, tình trạng nhập siêu của Việt Nam giảm trong quý III. Hiện tại, Việt Nam đã thặng dư 1,1 tỷ USD tính đến giữa tháng 9, một hiện tượng đáng quan tâm. Nhập siêu của Việt Nam thường tăng cao vào quý III. Hồi đầu năm, đã có những dự báo về năm 2017, nhập siêu có thể lên đến 5 tỷ.

Theo diễn biến này, việc Việt Nam trở thành nước xuất siêu là điều chưa thể biết trước. Nhưng hiện nay,  nhập siêu đang giảm làm giảm áp lực tỷ giá.

Thời gian qua, khi tỷ giá xuống, Ngân hàng Nhà nước đã mua rất nhiều ngoại tệ, làm tăng dự trữ quốc gia, TS Hiếu cho đây là điều tích cực. Bởi vì, một khi Ngân hàng Nhà nước có nhiều ngoại tệ, khả năng can thiệp để ổn định thị trường là cao hơn.

Theo TS Hiếu, hiện tượng tỷ giá ổn định từ đầu năm đến nay là tốt cho nền kinh tế, nhưng Việt Nam không nên quá lạc quan, bởi từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều diễn biến.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất vào cuối năm. Và một khi FED tăng lãi suất của đồng đô la vào cuối năm thì giá trị của đồng đô la lại tăng lên, lại tạo áp lực lên tỷ giá.

Cạnh đó, áp lực về nhập khẩu từ nay đến cuối năm tăng cao, trong bối cảnh giá dầu trên thế giới vẫn biến động, giá dầu có thể tăng nếu có những biến cố lớn về quân sự, đồng đô la có thể tăng giá và tăng áp lực ngoại tệ lên.

Cuối năm cũng là thời hạn Chính phủ phải trả nợ nước ngoài, mà một nửa số nợ đó trả bằng ngoại tệ trong đó có đồng đô la. Nhu cầu ngoại tệ thời điểm cuối năm cũng tăng lên, bởi áp lực nợ công và những nhu cầu khác.