Tỷ giá 2015 và cách điều hành “sát ván” của Thống đốc
Họ rà soát các cân đối, đánh giá các yếu tố tác động và thiệt - hơn trong các phương án xử lý biến động tỷ giá USD/VND. Một yếu tố được đặc biệt chú ý là kỳ vọng của thị trường.
6h sáng hôm sau (7/5), ông Bình chính thức chốt lại phương án cuối cùng, hoàn thiện định hướng triển khai và chuyển bộ phận chuyên trách thực hiện.
Thông tin giải pháp can thiệp thị trường bằng quyết định điều chỉnh được công bố ngay trước giờ mở cửa. Có thể nói, xét về góc độ thông tin, chuỗi thời gian đi đến quyết định chính sách đó hẳn đã khiến nhiều người không kịp trở tay, nhất là ở các giao dịch hợp pháp.
Vì sao dùng hết dư địa?
Ngay sau khi quyết định điều chỉnh tỷ giá đi ra thị trường, đâu đó vẫn có những băn khoăn, tựu trung ở các điểm: vì sao phải điều chỉnh, vì sao lại dùng hết dư địa 1% còn lại mà không phải 0,25% hay 0,5%, và như thế có lợi hay bất lợi cho nền kinh tế?
Dĩ nhiên, trừ trường hợp tính toán và phân tích sai, phải có lợi thì người ta mới làm. Ngay trong ngày 7/5, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có tài liệu gửi tới các cơ quan báo chí với một số về lợi ích của quyết định điều chỉnh, cũng như phân tích nhanh của một số chuyên gia song hành (dù có thể còn thiếu chiều sâu thuyết phục).
Cũng lưu ý rằng, từ năm 2011 trở lại đây, việc phá giá tiền đồng có lợi - hại thế nào vẫn là chủ đề tranh luận của nhiều chuyên gia, và cả nhà điều hành. Vì có quá nhiều các cân đối vĩ mô xoay quanh. Dù Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các mô hình lượng hóa để góp phần đưa ra quyết định, nhưng cũng chỉ ở mức độ tương đối.
Bởi lẽ, có những yếu tố có sức nặng ảnh hưởng khó đong đếm. Nếu xem nhẹ, nó có thể lớn nhanh và gây hệ quả lớn hơn nhiều mức độ mà các mô hình trên lượng hóa được. Ở đây là yếu tố kỳ vọng.
Chính yếu tố kỳ vọng cũng giúp giải thích vì sao Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh luôn 1% dư địa còn lại, mà không phải là 0,25% hay 0,5%.
Có một điểm gì đó quen thuộc trong cách điều hành, cũng là một phần tính cách của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thể hiện thời gian qua: mạnh tay trong các biện pháp can thiệp, một số người trong ngành vẫn thường nói dân dã hơn là “sát ván”.
Ở đợt biến động này, nếu để ý thì dễ thấy cầu ngoại tệ thực sự không căng thẳng, mà áp lực chính là dấu hiệu kìm cung thương mại trước kỳ vọng tỷ giá lên. Chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra của các ngân hàng vẫn tương đối bình thường, ở khoảng 50 - 60 VND. Chỉ khi khoảng cách này bị thu hẹp mới cho thấy áp lực thực sự.
Thậm chí những ngày qua, khi có biến động mạnh, một số ngân hàng cổ phần nhỏ hoặc có trạng thái ngoại tệ tốt đã doãng rộng chênh lệch giá mua bán tới 100 VND. Họ dự phòng rủi ro, bởi cung - cầu có biểu hiện mất cân đối có phần giả tạo do yếu tố găm giữ trong dân cư và doanh nghiệp.
Thực tế thì họ đúng. Sau điều chỉnh, giá mua vào trên thị trường không dâng cao quá mức như là do áp lực phải mua khi điểm nghẽn của dòng chảy đã được khơi thông.
Ngày đầu tiên sau điều chỉnh, điểm rất đáng chú ý là thị trường khá ổn định, không nhiều sóng sánh để tìm điểm cân bằng như các lần điều chỉnh trước. Điều này càng góp phần cho thấy cung - cầu không quá chông chênh trước đó.
Trở lại với “quyết định sát ván” khi điều chỉnh, xóa bỏ kỳ vọng thị trường là điểm đến của nó. Nếu tăng nhỏ giọt 0,25% hay 0,5% thì kỳ vọng tiếp tục điều chỉnh vẫn còn, sẽ vẫn lưu trữ và âm ỉ áp lực có thể dẫn đến biến động trong ngắn hạn.
Theo định hướng quãng biến động đưa ra từ đầu năm, cả năm không quá 2%, lần này đã dùng hết, kỳ vọng của thị trường trong quãng định hướng như cam kết đó của Ngân hàng Nhà nước là không còn.
Việc điều chỉnh luôn 1% cũng là một bước đi chủ động của nhà điều hành để xử lý “cao điểm kỳ vọng” trong tháng 6 tới - thời điểm mà thị trường chờ đợi ứng xử của chính sách điều hành tỷ giá gắn với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sớm tăng lãi suất…
Nay, về số học, kỳ vọng đó cũng bị xóa bỏ khi dư địa điều chỉnh theo định hướng năm nay đã dùng hết.
Tỷ giá 2015 khó điều chỉnh thêm?
Điểm quan tâm còn lại là khi đã điều chỉnh hết 2% rồi thì từ nay đến cuối năm, đường còn dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ ứng xử thế nào với tỷ giá và liệu nó có tăng lên nữa không?
Cho đến thời điểm này, định hướng nếu có biến động năm nay sẽ không quá 2% mà Thống đốc định hướng như một cam kết vẫn còn nguyên giá trị, chưa có bất kỳ một ý thông tin nào cho thấy sẽ thay đổi.
Với những gì đã thể hiện trong bốn năm qua, cũng như riêng về tỷ giá, cam kết hay những lời hứa của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã được nhiều lần kiểm chứng là có sức nặng hiện thực.
Đâu đó hiện đang có quan ngại, dư địa 2% đã dùng hết rồi, mục tiêu giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước năm nay rơi vào thế khó.
Tuy nhiên, chưa hẳn vậy. Dư địa còn lại thực tế trên thị trường vẫn khá lớn. Đó là tỷ giá hiện đang cách khá xa mức trần cho phép, tới khoảng 180 VND, hay qua đợt biến động này thì trường chỉ dùng một mức rất nhỏ so với 1% vừa nới thêm.
Thậm chí cũng không loại trừ tình huống tỷ giá giảm và dư địa đó càng trở nên rộng. Tình huống này đã có nhiều trong những năm gần đây, cả thực tế Ngân hàng Nhà nước phải nâng giá mua vào để chặn đà rơi.
Mặt khác, với nhà điều hành, khái niệm hay cách nói “dư địa” là mờ nhạt. Vì ở đây, với chính sách tỷ giá gắn với quãng định hướng giữ ổn định, chính Ngân hàng Nhà nước tạo ra khoảng dư địa đó, chủ động tạo ra nó.
Nó cũng chẳng phải là dư địa khi nhà điều hành đang có trong tay nhiều công cụ can thiệp khác, như lãi suất, dự trữ bắt buộc, điều tiết vốn trên thị trường mở, cùng nguồn dự trữ ngoại hối đủ sức mạnh… Đó là chưa nói đến các công cụ hành chính, điển hình như kết hối, hoàn toàn có thể tính tới trong những bối cảnh và tình huống cần thiết.
Vấn đề còn lại, nếu có căng thẳng tỷ giá từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ thể hiện sự quyết liệt trong can thiệp và bình ổn của mình như thế nào mà thôi. Có một điểm được đúc kết, những năm qua, các đợt biến động đều được họ can thiệp và xử lý khá nhanh, ngay cả khi chưa có biểu hiện tỷ giá chạm trần - một thể hiện cũng cho thấy một phần quyết liệt.
Và như trên, đến thời điểm này định hướng giữ ổn định tỷ giá như một cam kết mà Thống đốc đưa ra đầu năm vẫn còn nguyên giá trị, vẫn chưa có bất kỳ một ý thông tin nào cho thấy sẽ thay đổi.
Với những gì đã khẳng định trong 4 lần trước đây, nếu thị trường tiếp tục đặt niềm tin vào định hướng như một cam kết đó thì cũng có cơ sở.
Nguồn VnEconomy