Tương lai ngành ôtô Việt: Lắp hay nhập?
Giới kinh doanh ôtô và người tiêu dùng đang chứng kiến xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), nhất là ở các thương hiệu xe cao cấp. Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch nhập khẩu CBU ước đạt 34.000 chiếc với giá trị 883 triệu USD, tăng tới 125,4% về lượng, 188,8% về giá trị so với cùng kỳ 2014.
CBU quyết ra riêng
Mặc dù Ban Lãnh đạo Toyota Việt Nam (TMV) không đặt mục tiêu doanh số trong ngắn hạn cho thương hiệu xe Lexus, nhưng con số kinh doanh trong năm đầu tiên 2014 với sản lượng 385 xe bán ra đã vượt mức kỳ vọng. Sản lượng này là căn cứ để TMV có thể đánh giá về tiềm năng trong dài hạn của dòng Lexus tại thị trường trong nước. Hãng này vừa thông báo sẽ tiếp tục ra mắt dòng Lexus nhập khẩu có giá bán thấp nhất khoảng 2,3 tỉ đồng là NX200.
TMV hiện là một trong những doanh nghiệp ôtô vừa lắp ráp (CKD), vừa nhập khẩu lớn nhất thị trường. Mới đây, Ban Lãnh đạo Công ty đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Công Thương, mong muốn nhận được phản hồi tích cực và mang tính đột phá từ phía các nhà làm chính sách trước khi quyết định có ngưng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn sau mốc thời gian 2018 hay không.
Trong lúc nhóm các doanh nghiệp lắp ráp ôtô và cũng là thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vẫn phải tiếp tục chờ đợi, thì khối các đơn vị nhập khẩu nguyên chiếc đã tận dụng cơ hội thị trường đang ăn nên làm ra để tiếp tục củng cố vị thế. Mới nhất, họ đã quyết định không tham gia sự kiện Vietnam Motor Show 2015 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây tại TP.HCM do bất đồng trong vấn đề tổ chức.
Đây là sự kiện lớn nhất của ngành ôtô trong nước hằng năm với mục đích biểu dương lực lượng và ra mắt các dòng xe mới. Các doanh nghiệp nhập khẩu đã tham gia sự kiện này với VAMA từ năm 2012. Nhưng năm nay, dự kiến, khối CBU gồm các thương hiệu xe Audi, BMW, Renault, Porsche, Land Rover và các dòng xe môtô phân khối lớn như Ducati, Harley Davidson sẽ tổ chức sự kiện riêng tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ Hà Nội vào tháng 10 tới, ngay trước thời điểm diễn ra Vietnam Motor Show 2015 ở TP.HCM.
Năm 2015, ngành ôtô Việt Nam sẽ có đến 2 triển lãm lớn diễn ra gần như cùng lúc ở 2 đầu Nam - Bắc - Ảnh: motthegioi.vn |
Giải pháp dung hòa?
Các doanh nghiệp ôtô trong nước hiểu rất rõ về cột mốc 2018, khi mức thuế suất thuế nhập khẩu xe CBU từ khu vực ASEAN sẽ giảm xuống 0%. Vì thế, từ 3 năm trở lại đây, các liên doanh lắp ráp cũng đã chuẩn bị cho kịch bản có thể sẽ phải ngưng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu nếu chính sách vĩ mô không đủ nhanh và phù hợp nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô trong nước có điều kiện phát triển tiếp.
Nhưng tại buổi tọa đàm mới đây về chính sách đối với ngành công nghiệp ôtô, tình hình có vẻ không mấy bi quan vì có không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn là một thị trường ôtô tiềm năng trong dài hạn đối với các nhà đầu tư.
Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch VAMA và cũng là Tổng Giám đốc TMV, nói: “Một thị trường có dân số 90 triệu người như Việt Nam vẫn lý tưởng để có thể phát triển ngành công nghiệp ôtô”. Ông này cho biết, các thành viên VAMA đều mong muốn duy trì sản xuất tại Việt Nam và dự kiến trong tháng 5 này sẽ xin một cuộc họp với cơ quan chức năng để đưa ra những đề xuất cụ thể hơn. Thậm chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, ông Đào Phan Long, còn quả quyết: “Với thị trường 90 triệu dân như Việt Nam thì sẽ không có hãng nào bỏ cuộc”.
Thực tế, nội dung kiến nghị của TMV tới Bộ Công Thương mới đây không phải đều bất khả thi; và nếu được đáp ứng thì 2 nhận định trên lại càng có cơ sở.
Cụ thể, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, mặc dù đề xuất giảm mức thu từ 45% xuống 35% còn phải phụ thuộc vào Quốc hội, song Chính phủ vẫn có thể thay đổi từ cách tính trên giá bán của nhà sản xuất sang giá xuất xưởng rồi giảm giá tính thuế, do việc này nằm trong khả năng của Bộ Tài chính.
Tiếp theo, đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ Nhật xuống mức 0% cũng mang tính khả thi. Hiện nay, tuy quy định đối với các thành viên WTO là không có sự phân biệt đối xử giữa các thành viên. Nhưng Việt Nam vẫn có thể tiến hành điều chỉnh giảm thuế theo các thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam - Nhật hoặc ASEAN - Nhật.
Về mặt kỹ thuật là có thể, nhưng nếu chiều lòng TMV hay các liên doanh ôtô trong nước thì Chính phủ sẽ buộc phải thực hiện hàng loạt các giải pháp điều chỉnh với nhiều ngành kinh tế và sản xuất khác như điện tử, dệt may...
“Tôi không cho rằng TMV không thể phân tích được tính khả thi và bất khả thi trong các đề xuất của mình. Đó có thể chỉ là một cách để hãng xe này thúc giục Chính phủ mạnh tay hơn trong việc hoàn thiện và triển khai các chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô”, một vị chuyên gia trong ngành nhận định.
Mốc 2018 đang tới gần. Các chính sách dung hòa và hợp lý từ Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước tiếp tục yên tâm sản xuất, đồng thời góp phần đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh với các đơn vị nhập khẩu nguyên chiếc. Nếu làm được như vậy, ngành ôtô vẫn được kỳ vọng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai.
Vĩnh Bảo