Tương lai nào cho AEC?
Trong ngày hôm nay (31/12), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức có hiệu lực sau khi bản tuyên bố được ký kết bởi 10 lãnh đạo các nước ASEAN được thông qua.
Theo dự kiến, AEC sẽ tạo ra một thị trường chung với dân số 623 triệu người và tổng GDP là hơn 2,5 nghìn tỷ USD. Như vậy, AEC sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba tại Châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nước ngoài tỏ ra nghi ngờ cho sự thành công của AEC, khi giữa các nước thành viên có sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế khá lớn, chưa kể tới các khác biệt về thể chế.
Trong đó, nhóm nghiên cứu của Capital Economics nhấn mạnh rằng việc thành lập cộng đồng kinh tế AEC sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn nào trong khu vực. Nhóm này cũng cho rằng AEC sẽ khó mà giải quyết hết những thách thức lớn như giảm thiểu các rào cản phi thuế quan và cải thiện cơ sở hạ tầng của các nước thành viên.
"ASEAN vốn có các truyền thống là không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước thành viên, thiếu các hình thức xử phạt khi một nước thành viên trong khối không tuân theo quy định chung, và cuối cùng là chưa có một cơ quan trung ương đủ mạnh, vì vậy sẽ khó mà giải quyết được các thách thức kể trên", đó là bình luận của Capital Economics.
Ông John Pang, hiện là chuyên gia kinh tế cấp cao của Học viện quan hệ quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho rằng việc tích hợp các nền kinh tế của các nước ASEAN sẽ là một quá trình cần nhiều thời gian và tiến triển từng bước một.
"AEC sẽ không thể tạo ra được một sự thay đổi triệt để nào trong khu vực", ông bình luận.
Một trong những khó khăn khác mà AEC cần phải vượt quá, chính là ở sự chênh lệch quá lớn giữa các nền kinh tế thành viên: vừa có Singapore và Brunei nằm trong nhóm các quốc gia giàu có nhất thế giới, vừa có các nước thu nhập trung bình như như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, lại vừa có các nước thu nhập còn khá thấp như Campuchia, Lào và Myanmar.
Chính khoảng cách giàu nghèo trong chính các nước thành viên là một trong những thách thức mà AEC sẽ phải đối mặt khi tiến tới thành lập một thị trường chung giống như Liên minh Châu Âu.
Tuy nhiên, ông Surin Pitsuwan, nguyên là tổng thư ký của ASEAN cho biết ông vẫn khá lạc quan về triển vọng của AEC. Kim ngạch thương mại trong khối ASEAN đã tăng từ 9% lên 25% tổng kim ngạch của các nước thành viên. Tuy đây vẫn đang còn là tỷ lệ khá thấp cho một khối liên minh kinh tế, nhưng nó có thể sẽ được cải thiện trong thời gian tới. "Chúng tôi cần phải nâng tỷ lệ này lên mức 30-35%", ông Surin nói.
Ông Surin bình luận: "ASEAN là một thị trường không quá khó khăn để xây dựng sự hợp tác, mỗi quốc gia tại đây đều có sự chuyên môn hóa riêng. Đơn cử, Thái Lan có thế mạnh trong ngành nông nghiệp, ô tô và du lịch. Indonesia có lợi thế về hàng hóa cơ bản và tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, Singapore thì phát triển mạnh về ngành công nghiệp dịch vụ, từ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho đến vận tải và logictics."
"Như vậy, sự chênh lệch trình độ phát triển lại có thể là điều có lợi. Đơn cử như trường hợp của Thái Lan, là một nước đang thiếu hụt lực lượng lao động. Một khi AEC chính thức có hiệu lực, nước này có thể dựa vào nguồn nhân công đến từ các nước Myanmar, Lào và Campuchi. Malaysia và Singapore thì cũng có thể sử dụng nguồn nhân công từ Indonesia."
"AEC sẽ là lực đẩy khiến các nước thành viên phải đồng thuận và phối hợp hành động với nhau nhiều hơn, nhất là khi người dân của những nước chưa chịu cải cách đặt câu hỏi rằng tại sao họ chưa được hưởng lợi nhiều từ ASEAN như các nước láng giềng", ông Surin kết luận.
Đinh Hạnh
Nguồn CNA, Nikkei