Tương lai của HAGL nhìn từ những con số
Cuối cùng thì Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã HAG) và công ty con là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (mã HNG) cũng đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 và cả năm 2015.
HAGL - với đóng góp lớn về doanh thu, lợi nhuận từ mảng nông nghiệp, đã cùng HAGL Agrico bất ngờ báo lỗ trong quý 4/2015, trong đó, HNG lỗ sau thuế 113 tỷ đồng và HAGL lỗ 589 tỷ đồng.
Tất nhiên, khoản lỗ của HAGL còn có sự đóng góp đáng kể của chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay. Trong riêng quý 4, HAGL lãi gộp 123 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính của công ty lên tới 374 tỷ đồng - trong đó riêng chi phí lãi vay đã là 326 tỷ đồng.
Chỉ dấu biên lãi gộp
Còn nhớ, nửa đầu năm 2013, khi HAGL lần đầu có thu nhập từ mảng mía đường. Thị trường bất ngờ với chỉ số biên lãi gộp cao “bất thường” của doanh nghiệp này.
Cùng thời gian đó, các doanh nghiệp mía đường lâu năm niêm yết trên thị trường chứng khoán như Đường Lam Sơn, Đường Biên Hòa, Đường Kon Tum, Đường Ngô Han, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (tiền thân là Bourbon Tây Ninh)… có biên lãi gộp bình quân 12% - là mức tương đối thấp so với thế giới.
Thế nhưng, biên lợi nhuận mảng kinh doanh mới mẻ này khi đó của HAGL lên tới 64,4% - một con số mang tính thách thức ngay cả đối với doanh nghiệp ở các “vựa mía” của thế giới như Brazil, Thái Lan….
Nguyên nhân biên lợi nhuận cao này của HAGL được lý giải theo nhiều hướng: Công ty được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai khi trồng mía tại Lào, cánh đồng mía của HAGL tại Lào không bị xé nhỏ như ở Việt Nam, kỹ thuật canh tác tiên tiến khi HAGL không tiếc tiền đầu tư…
Thế nhưng, sau tất cả, mía đường hẳn đã không còn đủ “ngọt ngào” đối với HAGL.
Tính đến quý 4/2015, biên lãi gộp mảng kinh doanh này còn 31,82% - bằng một nửa giai đoạn khởi đầu. Cả năm 2015, biên lãi gộp mía đường của HAGL đạt 42,37% - cách xa so với mục tiêu 52% mà công ty đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015.
Nhưng, mía đường không phải là mảng kinh doanh duy nhất chứng kiến sự sụt giảm này.
Đàn bò của HAGL tính đến cuối năm 2015 mới chỉ có 3 quý khai thác, tính từ quý 2/2015. Đàn bò luôn đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận của HAGL trong 3 quý gần đây.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, HAGL đã đưa ra chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lãi gộp lần lượt đạt 2.475 tỷ đồng và 920 tỷ đồng - tương đương biên lãi gộp đạt khoảng 37%.
Trong riêng quý 2, biên lãi gộp mảng kinh doanh bò thịt của HAGL đạt 37,73% - cao hơn kế hoạch. Tuy nhiên, chỉ số này cũng nhanh chóng lao dốc, như với mía đường trước đây khi đến quý 4/2015, con số chỉ còn 15,15%.
Ngày càng nặng nợ
Báo cáo tài chính hợp nhất 2015 của HAGL cho thấy, tính đến ngày 31/12/2015, nợ phải trả của HAGL là trên 32.000 tỷ đồng - tăng thêm 11.000 tỷ đồng. HAGL vay nợ hơn 27.098 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn tăng lên hơn 8.001 tỷ đồng, vay dài hạn lên 19.097,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng tài sản cuối năm của công ty tăng hơn 12.200 tỷ đồng lên 48.605 tỷ đồng, trong đó, đóng góp của nợ phải trả hơn 11.500 tỷ đồng.
Chỉ số Nợ/Tổng tài sản của HAGL cuối năm 2015 đạt 67,2%, tăng 9 điểm phầm trăm so với đầu năm.
Trong năm 2015, nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng khác đã rót thêm cho HAGL gần 9.000 tỷ đồng thông qua các khoản vay/trái phiếu ngắn và dài hạn.
Trong tình trạng không ít tài sản, dự án, quyền thuê đất, thậm chí cổ phiếu của cả HAGL lẫn HAGL Agrico đều được huy động làm tài sản đảm bảo…, việc tăng tín dụng dành cho HAGL có thể đang làm cho không ít ngân hàng phải “đứng ngồi không yên”.
Nguồn VnEconomy