Chủ Nhật | 15/04/2012 16:07

Tuần qua, NHNN tiếp tục ban hành hàng loạt quyết sách quan trọng

Hạ các lãi suất chủ chốt thêm 1% lần thứ 2 trong vòng 1 tháng; nới tín dụng bất động sản, tiêu dùng... là những quyết định quan trọng nhất tuần qua.
Hạ các lãi suất chủ chốt thêm 1%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuần qua có quyết định hạ 1% với các lãi suất chủ chốt, áp dụng từ 11/4/2012.

Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 14%/năm xuống 13%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 12%/năm xuống 11%/năm.

Trần lãi suất huy động VND với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 13%/năm xuống còn 12%/năm; với kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 5%/năm xuống còn 4%/năm.

Ngay sau quyết định này, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống cao nhất còn 12%, đồng thời đã bắt đầu xuất hiện đường cong lãi suất hợp lý.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như BIDV, Eximbank... đã có những động thái hạ lãi suất cho vay.

NHNN yêu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp

Theo yêu cầu của NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế, làm cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phầm, ứ đọng tồn kho hàng hóa.

Các TCTD phải chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vay vốn có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ.

NHNN nới tín dụng bất động sản, tiêu dùng

Theo chỉ đạo của NHNN về giải pháp điều hành lãi suất và tín dụng thời gian tới, các TCTD vẫn phải kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay với lĩnh vực không khuyến khích dưới 16% tổng dư nợ cho vay.

Các lĩnh vực cho vay không khuyến khích gồm: Dư nợ cho vay, chiết khẩu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán; Dư nợ cho vay với đầu tư, kinh doanh bất động sản; Dư nợ cho vay với nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua thẻ tín dụng (cho vay tiêu dùng).

Tuy nhiên, trong chỉ đạo lần này, NHNN đã loại trừ thêm một số trường hợp ra khỏi lĩnh vực cho vay không khuyến khích.

Cụ thể, NHNN loại trừ dư nợ cho vay với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước này thành công ty cổ phần.

Loại trừ dư nợ cho vay với xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng thu nhập không phải tiền lương, tiền công của khách hàng vay.

Loại trừ dư nợ cho vay với xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê; dư nợ với xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị (bao gồm cả công trình hoàn thành trong 2012 và sau 2012).

Loại trừ dư nợ cho vay với xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để nợ mà nguồn trả nợ bằng lương, tiền công của khách hàng vay. Loại trừ khoản vay mua phương tiện đi lại, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phó học tập và chữa bệnh trong nước.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với việc loại trừ các khoản vay này, NHNN đã mở hầu như toàn bộ với cho vay tiêu dùng và mở khoảng 50% với cho vay bất động sản. Riêng với tín dụng cho chứng khoán, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là vẫn không khuyến khích.

NHNN lấy ý kiến

Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 13, định nghĩa về tổng tiền gửi và dư nợ sẽ có nhiều thay đổi mang tính tích cực.

Bên cạnh đó, với dự thảo này, tín dụng với chứng khoán cũng được nới lỏng hơn.

Dự thảo dự kiến có hiệu lực từ 1/6/2012.

Một số thông tin tiền tệ ngân hàng nổi bật khác

Nợ xấu hiện là 3,6%

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu đầu năm 2012, nợ xấu khoảng 3,2% thì nay đã tăng lên khoảng 3,6% tổng dư nợ.

Thống đốc cũng thừa nhận, nợ xấu tại một số TCTD cụ thể còn nặng nề hơn, cao hơn.

Thống đốc cho biết

Số liệu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tại cuộc họp báo sáng 11/4 thấp hơn nhiều số liệu theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia là âm 2,13%.

Nguyên nhân do NHNN đã loại bỏ các yếu tố tín dụng ảo của các TCTD từ cuối quý IV/2011.

Theo Thống đốc, tín dụng 3 tháng đầu năm giảm nhưng không đáng lo ngại. Trong tháng 3, tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại với mức tăng trên 1%.

Việt Nam có gần

Theo chuyên gia của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng mạnh trong 2011.

Tính đến cuối năm 2011, lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tương đương mức trước khủng hoảng kinh tế năm 2008. Trong quý I/2012, theo ước tính của ADB, con số này đã đạt khoảng 17 tỷ USD, tăng khoảng 3,5 tỷ USD so với con số được Quỹ Tiền tệ quốc tế công bố vào giữa năm 2011.

Tuy vậy, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á, mặc dù được cải thiện mạnh nhưng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện mới chỉ tương đương khoảng 2 tháng nhập khẩu.

NHNN đã bơm ra 130.000 tỷ đồng mua ngoại tệ

Sài Gòn Đầu tư Tài chính dẫn thông tin từ cuộc  họp giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình và chủ tịch, tổng giám đốc 14 ngân hàng thương mại tuần vừa qua cho biết, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 2 tỷ USD trong quý I/2012 là điều kiện để NHNN mua vào hơn 6 tỷ USD.

Cùng với việc mua vào hơn 6 tỷ USD vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ phải bán ra điều hòa nhu cầu thị trường hơn 100 triệu USD.

Tổng lượng tiền NHNN đã bơm ra thị trường qua kênh mua ngoại tệ là khoảng 130.000 tỷ đồng.

Nguồn DVT/Tổng hợp


Sự kiện