Tuần này, Quốc hội đánh giá tái cơ cấu trong đầu tư công, hệ thống ngân hàng
Trong ngày thứ bảy (1/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Đây là vấn đề “nóng”, nhất là trước thực trạng phát triển quá nhiều ngân hàng thương mại dẫn tới bất cân đối trong thời gian qua cũng như xảy ra những vụ tham nhũng, tiêu cực liên quan tới một số cán bộ ngân hàng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về tái cơ cấu đầu tư công, việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn giai đoạn trước. Hằng năm đã dành số vốn đáng kể để thanh toán vốn ứng trước và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, số lượng dự án khởi công mới các năm qua giảm mạnh so với thời kỳ trước. Đáng chú ý là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc bố trí vốn đầu tư bước đầu đã có sự kiểm soát tốt, các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Với trọng tâm thứ ba là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hệ thống chính sách, pháp luật về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đã được hoàn thiện một bước căn bản và được triển khai đồng bộ. Kết quả này góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và tạo cơ sở pháp lý cho công tác cơ cấu lại, xử lý nợ xấu.
Cũng trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là dự án đang gây nhiều tranh cãi do nguồn vốn đầu tư quá lớn trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp. Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, nhân dân, dư luận và nhiều đại biểu cũng chia sẻ việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, vì việc mở rộng Tân Sơn Nhất là không thể. Tuy nhiên, đưa sân bay Long Thành xin ý kiến Quốc hội vào thời điểm này rõ ràng là không có lợi, vì Quốc hội đang bàn đến nợ công.
Chính phủ đã có báo cáo nợ công hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng có xu hướng tăng nhanh. Chính vì vậy mà phải tính toán trong bối cảnh kinh tế của đất nước với từng dự án cụ thể, sân bay Long Thành cũng như thế. Phải tính toán việc đầu tư sân bay Long Thành trong sự phát triển chung của đất nước, đảm bảo được các tiêu chí về yếu tố nợ công. Việc trình ra Quốc hội lần này không phải phê duyệt dự án để triển khai ngay mà mới chỉ là xin chủ trương. Từ chủ trương đến lập dự án tiền khả thi đến khi thực hiện là cả một quãng thời gian dài, không thể nhanh được.
Ngày thứ ba (28/10), Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước công dân. Đây là dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp trước. Sau khi chỉnh lý, bổ sung, dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Nguồn CAND