Tuần khó khăn của thị trường chứng khoán
Tổng kết tuần, VN-Index giảm 5,6% trong khi HNX-Index điều chỉnh 4,1% với sự gia tăng mạnh khối lượng giao dịch trên sàn thành phố (+15% so với tuần trước) cho thấy áp lực bán tháo mạnh trên thị trường.
Có 3 vấn đề chính khiến thị trường giảm điểm trong tuần:
+ Những thông tin căng thẳng từ hệ thống ngân hàng. Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ nâng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ tỷ giá lên từ 2% lên 3%, điều này thể hiện sự căng thẳng trên thị trường ngoại tệ và việc các ngân hàng liên tục thay đổi mức tỷ giá USD theo chiều hướng tăng dần phản ánh khá rõ vấn đề này. Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu hệ thống tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và Ngân hàng Nhà nước có quyết định đình chỉ ông Trần Phương Bình khỏi chức vụ Tổng Giám đốc cũng như TVHĐQT của NH Đông Á.
+ Sự thất vọng với Thông tư số 123 về nới room ngoại được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2015 khi chi tiết của Thông tư có vẻ không đáp ứng được kì vọng của nhà đầu tư khi danh sách cụ thể ngành nghề và tỷ lệ nới room vẫn chưa được công bố.
+ Áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại trong 6 phiên liên tiếp. Đặc biệt, 3 ngày gần đây khối ngoại bán ròng với giá trị lên đến hơn 500 tỷ đồng. Hiện tại, khả năng đồng nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá cũng như việc tỷ giá tại Việt Nam đang khá bất ổn sẽ khiến cho áp lực bán ròng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới.
Trong ngắn hạn, việc chứng khoán thế giới giảm phiên cuối tuần với mức giảm phổ biến từ 2,5% đến 3,2% nhiều khả năng sẽ phản ánh vào phiên thứ 2 tuần này – 24/08/2015. Ngoài ra, với lượng thông tin tiêu cực đang khá nhiều cùng với áp lực bán từ khối ngoại thì trong ngắn hạn khả năng phục hồi sẽ khó khăn. Vì vậy, nhà đầu tư lướt sóng không nên tham gia thị trường.
Tương tự, đối với nhà đầu tư trung hạn chỉ nên tối đa duy trì tỷ trọng thấp hoặc tạm thời không nên tham gia thị trường. Mặc dù, P/E VN-Index đang ở mức 10,8 lần (Nguồn: Bloomberg) – thấp hơn 10% - 30% so với thế giới. Tuy nhiên, rủi ro chung về một cuộc khủng hoảng tài chính có thể nổ ra tại Trung Quốc cũng như toàn cầu có thể nhấn chìm thị trường thế giới. Do đó, nhà đầu tư trung và dài hạn tạm thời không nên giải ngân mà nên chờ những dấu hiệu rõ ràng hơn từ thị trường thế giới.
Đinh Minh Trí