Chủ Nhật | 14/07/2013 07:23

Tuần 8-14/7: Giá hàng hóa tiếp tục tăng sau tín hiệu của Fed

Giá hàng hóa tiếp tục đà tăng của tuần trước do chủ tịch Fed mới phát tín hiệu duy trì kích thích kinh tế Mỹ trong tương lai gần.
Chỉ số S&P GSCI theo dõi giá 24 hàng hóa nguyên liệu thô tăng 1,7%, chốt tuần tại 644,63 điểm, dẫn đầu là giá vàng.

Giá hàng hóa tăng chủ yếu do các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì bơm tiền cho nền kinh tế. Hôm 10/7, chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Ben Bernake tuyên bố kinh tế Mỹ vẫn rất cần kích thích tiền tệ trong tương lai gần khi lạm phát thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng quyết định theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, giữ nguyên lãi suất cơ bản và tiếp tục chương trình mua trái phiếu hàng tháng.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn lo ngại tình hình kinh tế Trung Quốc, nhà tiêu thụ hàng hóa hàng đầu. Các số liệu kinh tế, sản xuất yếu đi nhưng các nhà chức trách vẫn chưa có động thái can thiệp thị trường. Thậm chí, theo Bộ trường tài chính Lưu Vĩ Kế, Trung Quốc còn có thể chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm hơn, dưới mức mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, hàng loạt dự báo nguồn cung hàng hóa toàn cầu dư thừa cũng hạn chế giá tăng trong tuần này.

Dầu thô

Giá dầu thô tiếp tục tăng, có phiên lên cao nhất 15 tháng do dự trữ dầu Mỹ giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Chốt tuần, giá dầu thô WTI giao tháng 8 tăng 2,6% lên 105,95 USD/thùng, giá dầu Brent cùng kỳ hạn tăng hơn 1% lên 108,81 USD/thùng. Chênh lệch giá 2 loại dầu tiếp tục thu hẹp còn 2,86 USD/thùng, phiên ngày 10/7, mức chênh lệch này còn xuống dưới 1,99 USD/thùng.

Nhu cầu tiêu thụ cho mùa hè vẫn là nguyên nhân chính khiến nguồn cung dầu Mỹ giảm. Trong vòng 2 tuần kết thúc ngày 5/7, lượng dự trữ giảm tới 5,1%, ghi nhận 2 tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 1982.

OPEC và IEA đều có báo cáo cung cầu dầu thô thế giới trong tuần. Theo đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ năng lượng thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC tăng nhanh hơn, dẫn tới tiêu thụ dầu của OPEC giảm. Thế giới sẽ đối mặt nguy cơ dư thừa dầu năm 2014.
Vàng

Giá vàng tuần này tăng 4,8%, tăng mạnh nhất gần 2 năm qua chủ yếu nhờ tín hiệu duy trì kích thích kinh tế của Fed. Chốt tuần, giá giao kỳ hạn tháng 8 tại sàn Comex đứng ở 1.277,6 USD/oz. Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco hiện là 1284,8 USD/oz.

Giá vàng còn được hỗ trợ nhờ dấu hiệu khan hiếm cung trên thị trường vật chất, khối lượng giao dịch kỷ lục ở sàn Thượng Hải và mức tăng mạnh trong chi phí vay vàng. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá khả năng phục hồi giá vàng năm nay là rất khó khăn do nhà đầu tư mất niềm tin về vai trò tài sản trú ẩn của vàng.

Bất chấp giá tăng, các quỹ tín thác vàng vẫn không ngừng bán tháo. SPDR tuần này bán ra mạnh nhất kể từ cuối tháng 4, lượng nắm giữ giảm 2,6%.
Kim loại

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME chốt phiên tuần này tại 6.954 USD/tấn, tăng 2,5% so với tuần trước.

Giá đồng tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ mạnh trở lai của Trung Quốc. Số liệu hải quan cho thấy nhập khẩu đồng Trung Quốc tăng gần 6% lên cao nhất 9 tháng. Điều này làm tăng triển vọng nhu cầu đồng tại nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.

Dự trữ đồng tại sàn LME tiếp tục giảm cũng là nguyên nhân đẩy đồng tăng giá.

Tuy nhiên, dự báo dư thừa cung vẫn tạo sức ép cho giá kim loại. Thế giới đang đối mặt với vấn đề thiếu kho dự trữ, phí lưu kho đồng tại một số khu vực lên cao nhất 7 năm.
Ngũ cốc, hạt có dầu

Tuần này, giá ngũ cốc, hạt có dầu tăng mạnh, trừ phiên cuối tuần lao dốc do dự báo triển vọng cung dồi dào. Tính chung cả tuần, giá ngô giao tháng 12 tăng 3,7%, chốt tuần tại 5,0925 USD/giạ. Giá đậu tương giao tháng 11 tăng 2,4% lên 12,5725 USD/giạ, giá lúa mỳ tăng 3,2% lên 6,81 USD/giạ.

Nguyên nhân giá ngũ cốc tăng trong tuần này nhờ động thái gom mạnh hàng của Trung Quốc. Riêng tuần này, Trung Quốc đã mua vào tới 2,04 triệu tấn ngũ cốc, hạt có dầu từ Mỹ tăng cường tích trữ. Nguồn cung nội địa tại Trung Quốc giảm trong khi nhu cầu thức ăn chăn nuôi gia súc tăng dẫn tới dự báo nhu cầu nhập khẩu của nước này tiếp tục tăng.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện