Tuần 5-11/8: Giá hàng hóa nguyên liệu giảm do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư
Giá hàng hóa giảm trong tuần vẫn do những lo ngại của thị trường về việc liệu Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có sớm cắt giảm chương trình kích thích kinh tế vào tháng 9 tới. Các số liệu kinh tế phục hồi đáng kể càng làm tăng khả năng này, khi đó nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu cho sản xuất thấp do cung tiền hạn chế.
Một số chủ tịch Fed chi nhánh các bang đã tỏ rõ quan điểm không loại trừ khả năng Fed sẽ cắt giảm sớm chương trình nới lỏng tiền tệ và người dân hay chính các nhà đầu tư không nên quá phụ thuộc vào gói kích thích hiện nay.
Tuy nhiên, giá hàng hóa những phiên cuối tuần phục hồi trở lại do các số liệu sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu Trung Quốc tăng vượt kỳ vọng. Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa nguyên liệu hàng đầu thế giới, do vậy, nền kinh tế phục hồi trở lại tạo chỗ dựa vững chắc cho thị trường.
Dầu thô
Giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 9 tăng 0,9% trong tuần này, chốt tại 105,97 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn lại giảm 0,6% xuống còn 108,22 USD/thùng. Chênh lệch 2 loại dầu này nới rộng lên 2,25 USD/thùng.
Giá dầu tuần này giảm hầu hết các phiên trừ phiên cuối tuần tăng vọt. Sau đợt đình công dài ngày làm đình trệ nhiều cảng xuất khẩu, sang tuần này, Bộ trưởng Bộ dầu khí Libya bất ngờ tuyên bố nước này sẽ tăng sản lượng dầu thô lên 800.000 thùng/ngày trong tháng tới từ mức 700.000 thùng/ngày hiện nay. Tình hình nguồn cung dầu tại Iran cũng khả quan hơn khi tổng thống mới lên cầm quyền.
Tại Mỹ, sản lượng dầu thô tăng vọt 7,56 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 12/1989. Dự trữ dầu thô giảm 1,3 triệu thùng/ngày, tuy nhiên vẫn cao hơn dự báo các chuyên gia.
Phiên cuối tuần giá tăng vọt do sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng góp phần phục hồi nhu cầu tiêu thụ.
Vàng
Giá vàng tăng tuần thứ 4 trong 5 tuần trở lại đây, tuy nhiên mức tăng không cao, giá giao kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex tăng 0,2% so với tuần trước, chốt tại 1.312,2 USD/oz.
Giá vàng đầu tuần tiếp tục đà giảm của tuần trước, tuy nhiên 3 phiên cuối tuần tăng mạnh nhờ các số liệu kinh tế khả quan của Mỹ và Trung Quốc.
Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR tuần này tiếp tục bán ròng 7 tấn vàng. Đáng chú ý, phiên cuối tuần quỹ này bất ngờ mua vào 2 tấn vàng trước dấu hiệu phục hồi của giá vàng. Hội đồng vàng thế giới đánh giá xu hướng bán tháo vàng sắp kết thúc, giá sẽ tăng trở lại cuối năm nay. Nhu cầu vàng vật chất bắt đầu tăng cao vào thời điểm này để chuẩn bị cho các dịp lễ tết cuối năm tại các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Kim loại
Giá đồng tuần năng tăng mạnh nhất 11 tháng, giá giao sau 3 tháng tại sàn LME tăng tới 3,8% lên 7.274 USD/tấn, cao nhất hơn 2 tháng.
Giá đồng tăng mạnh chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ Trung Quốc. Tổng cục hải quan nước này cho biết, tháng 7, Trung Quốc tăng nhập khẩu đồng tới 8,1% so với tháng 6 lên cao nhất 14 tháng. Một nguyên nhân khác khiến đồng tăng giá là dự trữ đồng tại sàn LME có 17 phiên giảm liên tiếp xuống thấp nhất gần 4 tháng.
Ngũ cốc, hạt có dầu
Giá nông sản dẫn đầu đà giảm của các hàng hóa nguyên liệu do triển vọng cung tiếp tục dồi dào tại các khu vực sản xuất chính.
Trên sàn Chicago, giá ngô giao tháng 12 giảm 2,2% tuần này xuống còn 4,5325 USD/giạ, thấp nhất gần 3 năm qua, giá lúa mỳ cũng giảm 2% xuống 6,4725 USD/giạ và giá đậu tương gần như không đổi ở 11,8225 USD/giạ.
Các chuyên gia dự báo sản lượng thu hoạch ngô Mỹ năm nay sẽ tăng 30% lên 14,036 tỷ giạ tương đương 356,5 triệu tấn. Dự trữ ngô sẽ tăng 23% lên 152,36 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ cập nhật dự báo cung cầu vào ngày 12/8 tới.
Nguồn Dân Việt