Tuần 3-9/6: Thị trường hàng hóa nguyên liệu phục hồi nhờ nhu cầu từ Trung Quốc
Tuần này, một loạt thông tin cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc tăng trở lại sau thời gian dài thu hẹp hỗ trợ giá lên đặc biệt là kim loại. Đầu tuần, nước này bất ngờ mua vào kim loại cơ bản từ thị trường giao dịch quốc tế. Nhập khẩu vàng Trung Quốc từ Hong Kong được các chuyên gia dự báo tăng do giá giảm.
Tổ chức nông lương thế giới (FAO) vừa có bản báo cáo triển vọng nông nghiệp toàn cầu. Trong đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ lương thực tiếp tục tăng, giá lương thực tăng 10-14% trong 10 năm tới.
Đồng USD yếu đi cũng là nguyên nhân hỗ trợ giá hàng hóa tăng tuần này, kết thúc tuần chỉ số giá Dollar tăng hơn 2% so với tuần trước đóng cửa tại 81,669 điểm. Chỉ số Dollar theo dõi tỷ giá hối đoái của đồng USD với 6 đồng tiền mạnh khác trên thế giới.
Dầu thô
Giá dầu thô WTI giao háng 7 tăng mạnh trở lại, cao hơn 4,4% so với giá cuối tuần trước, kết thúc tuần tại 96,03 USD/thùng, cao nhất kể từ 21/5. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng tăng 4,1% trong tuần qua, chốt tuần tại 104,56 USD/thùng.
Giá dầu thô tuần này tăng nhờ số liệu từ cơ quan năng lượng Mỹ cho biết nguồn cung tuần trước giảm nhiều hơn dự báo của các chuyên gia đạt 391,3 triệu thùng. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu tăng, các nhà máy lọc dầu Mỹ hiện hoạt động gần 90% công suất, nhà lọc dầu lớn của Ấn Độ là Whiting cũng sẽ quay trở lại sản xuất cuối tháng 6.
Vàng
Giá vàng tuần này có những phiên tăng giảm đan xen, giá chốt tuần thấp hơn tuần trước 10 USD/oz, tương đương 0,7% giao dịch tại 1.383 USD/oz.
Quỹ tín thác vàng SPDR Gold Trust bán ròng 4 tấn vàng, lượng nắm giữ hiện nay là 1007,14 tấn, trị giá 44,8 tỷ USD, thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Theo số liệu của ETFGI, lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF giảm tổng cộng 490,1 tấn vàng tương đương 22 tỷ USD từ đầu năm đến nay.
Tuần này, Ấn Độ thông báo tăng thuế nhập khẩu vàng từ 6% đến 8% nhằm hạn chế lượng vàng nhập khẩu, nguyên nhân chính làm tăng thâm hụt tài khoản vãng lai nước này. Tuy nhiên, Hội đồng vàng thế giới và các chuyên gia đều đánh giá rằng động thái này sẽ không có hiệu quả trong dài hạn thực chất chỉ làm giá trong nước tăng.
Đồng
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME tuần này tăng 1,1% lên mức 7.334,5 USD/tấn. Giá đồng tăng chủ yếu do lo ngại nguồn cung hạn chế. Mỏ Grasberg, mỏ đồng lớn thứ 2 thế giới dự kiến sẽ đóng cửa trong 3 tháng để chờ đợi các nhà chức trách địa phương điều tra nguyên nhân sập hầm lò nghiêm trọng tháng trước.
Chính phủ Trung Quốc bất ngờ mua vào 30.000 tấn niken, tương đương 1/6 dự trữ niken tại sàn LME cho thấy dấu hiệu quay trở lại thị trường kim loại sau nhiều năm không hoạt động trên thị trường giao dịch quốc tế. Trung Quốc cũng đang hỏi mua đồng. Thông tin này hỗ trợ mạnh mẽ thị trường kim loại đẩy giá tăng.
Ngũ cốc, hạt có dầu
Trên sàn Chicago, giá ngô giao tháng 7 tăng 0,6% lên 6,662 USD/giạ, giá đậu tương giao tháng 7 tăng 1,1% lên 15,282 USD/giạ. Tuy nhiên, giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 1,3% xuống còn 6,962 USD/giạ.
Giá nông sản Mỹ tiếp tục chịu tác động ảnh hưởng của vấn đề thời tiết. Mưa tiếp tục kéo dài làm hạn chế tiến độ gieo trồng, gây lo ngại người nông dân giảm diện tích theo kế hoạch, giảm sản lượng thu hoạch vụ tới. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết hiện mới chỉ có 91% diện tích ngô được gieo trồng, vẫn chưa đuổi kịp mức trung bình 5 năm là 95%.
Giá lúa mì giảm do các nhà nhập khẩu đặc biệt từ châu Á từ chối hàng từ Mỹ do thông tin phát hiện chất biến đổi gen tại cánh đồng lúa mì tiêu bang Oregon. Nhiều nước đã tìm đến nguồn cung lúa mì khác thay thế Mỹ như Nga, Ukraina, Australia.
Nguồn Dân Việt