Chủ Nhật | 04/08/2013 09:36

Tuần 29/7-4/8: Giá hàng hóa nguyên liệu tăng do sản xuất toàn cầu phục hồi

Sau phiên giảm mạnh tuần trước, tuần này giá hàng hóa tăng trở lại, tuy nhiên lực phục hồi yếu, thị trường còn nhiều rủi ro.
Chỉ số S&P GSCI theo dõi giá 24 hàng hóa nguyên liệu thô tăng gần 1% lên 642,74 điểm.

Đầu tuần, giá hàng hóa lao dốc, giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước kết quả họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và số liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ quý II. Do đó, giá dầu thô có phiên xuống thấp nhất 4 tuần, giá đồng cũng chạm đáy 3 tuần.

Đến cuối tuần, hàng loạt thông tin khả quan tác động mạnh tới thị trường. Fed kết thúc 2 ngày họp Ủy ban thị trường mở với quyết định tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ định lượng. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết sẽ giữ lãi suất siêu thấp thời gian dài. Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý II đạt 1,7% cao hơn dự báo các chuyên gia.

Sản xuất các khu vực lớn tăng trưởng ngoài kỳ vọng là nguyên nhân trực tiếp tác động tới triển vọng tiêu thụ hàng hóa. Chỉ số quản lý thu mua sản xuất (PMI) của Mỹ lên cao nhất 2 năm đạt 55,7 điểm trong tháng 7, vượt xa con số ghi nhận trong tháng 6 là 50,9 điểm. Trung Quốc cũng thông báo chỉ số PMI tháng 7 chính thức tăng ừ 50,1 lên 50,3 điểm. Khu vực đồng tiền chung châu Âu có chỉ số PMI cao hơn 50 điểm lần đầu tiên trong 2 năm.

Tuy nhiên, thị trường hàng hóa chưa thể phục hồi vững chắc do còn nhiều rủi ro. Giới đầu tư vẫn lo ngại Fed có thể cắt giảm chương trình mua trái phiếu vào tháng 9 tới hay nguồn cung nhiều mặt hàng dư thừa ngày càng cao đặc biệt là nông sản. Dự thảo luật cấm các ngân hàng giao dịch hàng hóa tại Mỹ tiếp tục tạo sức ép lên thị trường. Ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan mới tuyên bố ngừng giao dịch hàng hóa.

Dầu thô

Giá dầu thô tuần này tăng nhờ chỉ số sản xuất các nước tăng. Dầu thô WTI giao tháng 9 tăng giá 2,1% so với tuần trước, chốt tại 106,94 USD/thùng. Dầu Brent cùng kỳ hạn cũng có giá tăng 1,7% lên 108,95 USD/thùng. Chênh lệch giá 2 loại dầu trên lại thu hẹp còn 1,65 USD/thùng.

Dự trữ dầu thô Mỹ bất ngờ tăng 431.000 thùng sau khi giảm liên tiếp 4 tuần trước với mức giảm tổng cộng tới 29,9 triệu thùng. Dự trữ tăng trở lại nhưng nguồn cung tại cảng Cushing, Oklahoma chuyên phân phối dầu giao dịch kỳ hạn giảm tới 4,3% xuống thấp nhất 15 tháng. Điều này cũng là nguyên nhân hỗ trợ giá dầu tăng.

Tình hình đình công của công nhân Libya ngày càng căng thẳng, dẫn tới đóng cửa hàng loạt các cảng xuất khẩu, gây lo ngại gián đoạn cung ra thị trường. Libya là thành viên thuộc OPEC và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi.
Vàng

Giá vàng tuần qua biến động khá phức tạp với các phiên tăng giảm đan xen, thậm chí có phiên chứng kiến giá diễn biến cả 2 chiều lao dốc và phục hồi mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do những biến động kinh tế vĩ mô, và tỷ giá tiền tệ thay đổi.

Kết thúc tuần, giá vàng giao dịch kỳ hạn giảm 0,9% so với tuần trước, chốt tại 1.310,5 USD/oz, ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong 1 tháng qua. Giá có lúc lao dốc chạm đáy 1.282,4 USD/oz.

Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR bất ngờ bán ra 7,5 tấn vàng trong 2 phiên cuối tuần. Lượng nắm giữ vàng của quỹ này hiện là 918,6 tấn, trị giá 28,62 triệu USD, giảm 422 tấn vàng so với cuối năm ngoái.
Kim loại

Giá đồng đang đứng ở mốc cao nhất hơn 1 tuần. Giá giao sau 3 tháng tại sàn LME tăng 2,4% trong tuần này, đóng cửa tại 7.005 USD/tấn.

Giá đồng tuần này tăng chủ yếu do số liệu sản xuất Trung Quốc, Mỹ, châu Âu đều vượt dự báo. Điều này tăng cường triển vọng nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp phục vụ cho sản xuất. Giá của hầu hết các kim loại cơ bản khác trên sàn LME cũng đồng loạt tăng giá trong tuần này.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Giá ngũ cốc tuần này tiếp tục giảm ghi nhận mạch giảm 3 tuần liên tiếp. Trên sàn Chicago, giá ngô giao tháng 12 giảm 3,3% xuống còn 4,6375 USD/giạ, giá đậu tương giao tháng 11 giảm 1,4%, chốt tuần này 11,815 USD/giạ. Riêng giá lúa mỳ kỳ hạn giao tháng 9 tăng 1,6% trong tuần này lên 6,605 USD/giạ.

Giá ngô và đậu tương tiếp tục chịu áp lực cung dồi dào. Thời tiết thuận lợi tại các khu vực sản xuất chính dẫn tới lo ngại sản lượng lớn, cung vượt cầu.

Tuy nhiên, giá lúa mỳ tăng sau thông tin Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu lúa mỳ Mỹ kéo dài 2 tháng. Lệnh cấm này được ban hành do phát hiện chất biến đổi gen trong lúa mỳ trồng tại tiểu bang Oregon, Mỹ. Ngay sau khi dỡ bỏ, Nhật Bản mua vào 90.000 tấn lúa mỳ trắng từ Mỹ hôm 1/8.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện