Chủ Nhật | 01/09/2013 09:31

Tuần 26/8-1/9: Giá hàng hóa tăng vọt do bất ổn tại Syria

Tuần qua, thị trường hàng hóa đón nhận các số liệu sáng sủa về kinh tế Mỹ cộng với đồn đoán quân đội nước này và đồng minh sẽ tấn công Syria.
Chỉ số S&P GSCI theo dõi giá 24 loại hàng hóa nguyên liệu tăng 1,1% lên 657,05 điểm.

Thông tin Mỹ có khả năng sẽ tấn công Syria do cáo buộc chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học đã đẩy giá hàng hóa tăng vọt, có phiên chỉ số S&P GSCI tăng vọt 1,6% lên cao nhất 6 tháng. Trong đó, giá dầu thô WTI tăng 2,4%, dầu Brent tăng 2,5%, giá vàng cũng tăng mạnh 2,2% lên cao nhất 3 tháng.

Tuy nhiên, đến cuối tuần, Mỹ thông báo tăng trưởng GDP quý II đạt 2,5%, tăng hơn nhiều so với mức ước tính 1,7% đồng thời số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần giảm. Điều này cho thấy khả năng phục hồi kinh tế Mỹ, dựa vào đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình kích thích kinh tế Mỹ tháng 9 tới. Lo ngại này khiến giá hàng hóa hạ nhiệt cuối tuần.

Dầu thô

Giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 10 trên sàn Nymex tăng 1,2% tuần này, chốt tại 107,65 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng kỳ hạn tăng tới 2,6% lên 114,01 USD/thùng. Chênh lệch giá 2 loại dầu nới rộng 6,36 USD/thùng.

Giá dầu tuần qua tăng vọt do những lo ngại sẽ có cuộc tấn công vào Syria làm gián đoạn cung khu vực Trung Đông. Khu vực này chiếm 35% nguồn cung dầu toàn thế giới, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2012.

Đáng chú ý, phiên ngày 27/8, giá dầu thô WTI lên cao nhất 18 tháng 109,01 USD/thùng, giá dầu Brent cũng lên 114,36 USD/thùng, cao nhất 6 tháng.

Tuy nhiên, đà tăng giá được kiềm chế nhờ thông tin sản lượng dầu thô Mỹ tuần qua đạt 7,61 triệu thùng/ngày, cao nhất 24 năm. Dự trữ dầu thô Mỹ tăng 0,8% lên 362 triệu thùng, tăng lần đầu tiên từ đầu tháng 8, tuy nhiên dự trữ xăng và các nhiên liệu chưng cất đều giảm.

Vàng

Giá vàng giao tháng 12 tuần qua chốt tại 1.396,1 USD/oz, tăng 0,2% so với cuối tuần trước và tăng tổng cộng 6,3% trong tháng 8. Giá vàng biến động tăng giảm tuần qua do những căng thẳng tại Syria.

Số liệu kinh tế sáng sủa hơn cuối tuần, kéo USD tăng mạnh khiến giá quay đầu giảm. Giới đầu tư đang chờ đợi tháng 9 với những diễn biến từ khu vực Trung Đông và động thái từ Fed đối với chương trình mua trái phiếu hàng tháng. Nếu Fed sớm cắt giảm nới lỏng tiền tệ, vai trò phòng hộ rủi ro lạm phát của vàng sẽ giảm, nhà đầu tư cũng mất dần niềm tin đối với vàng.

Kim loại

Giá đồng tuần qua giảm mạnh 3,5%, tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 6. Giá giao sau 3 tháng trên sàn LME chốt tuần tại 7.095 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tháng giá tăng 3,2% nhờ dấu hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Giá đồng giảm trong tuần qua do áp lực của USD mạnh và lo ngại kế hoạch cắt giảm kích thích kinh tế Mỹ sẽ khởi động từ tháng tới, dẫn tới giảm triển vọng tiêu thụ kim loại vào sản xuất.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Trên sàn Chicago, giá ngô giao tháng 12 tăng 2,6% trong tuần này và tăng 0,6% trong tháng 8 lên 4,82 USD/giạ. Giá đậu tương tăng vọt 13% trong tháng 8, chốt tại 13,575 USD/giạ, ghi nhận tháng tăng mạnh nhất hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, giá lúa mỳ lại giảm 1,5% trong tháng 8 còn 6,54 USD/giạ.

Giá nông sản Mỹ tuần qua tăng do thời tiết khô nóng lan rộng khu vực miền Trung Tây Mỹ, nơi gieo trồng chính các loại ngũ cốc hạt có dầu. Nhiệt độ cao, lượng mưa thấp hơn một nửa thông thường kéo dài suốt 2 tháng dẫn tới năng suất cây trồng ước đạt thấp, triển vọng sản lượng dồi dào giảm bớt.

Tuy nhiên, cuối tuần, dự báo thời tiết sẽ có mưa tại khu vực này khiến giá ngô, đậu tương hạ nhiệt.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện