Tuần 24-30/6: Giá hàng hóa nguyên liệu có tuần biến động mạnh
Tuần này, tâm lý nhà đầu tư khá nhạy cảm đối với các số liệu kinh tế vĩ mô Mỹ và Trung Quốc. Mỹ công bố GDP quý I điều chỉnh chỉ đạt 1,8%, thấp hơn con số ước tính trước đó là 2,4%. Tuy nhiên, các số liệu hàng tuần khá sáng sủa như số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm, doanh số mua nhà qua sử dụng cao nhất 6 năm, chi tiêu tiêu dùng và chỉ số niềm tin tiêu dùng đều tăng lên cao nhất nhiều tháng qua.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố không bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để giải quyết tình trạng khan hiếm tiền mặt, vì cho rằng thanh khoản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện vẫn ở mức hợp lý.
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và EU ngày càng căng thẳng khi động thái mới nhất của Trung Quốc là áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm hóa chất châu Âu. Quyết định này nhằm trả đũa EU áp thuế trừng phạt đối với sản phẩm pin mặt trời nhập từ Trung Quốc.
Dầu thô
Trên sàn Nymex, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 8 tăng 3,1% chốt tuần tại 96,56 USD/thùng. Giá dầu Brent tại London tăng nhẹ hơn khoảng 1,2% lên 102,16 USD/thùng. Nhờ vậy, chênh lệch giá 2 loại dầu này thu hẹp nhất hơn 2 năm kể từ tháng 1/2011.
Tính chung cả tháng 6, giá dầu thô tăng tới 5%, ghi nhận tháng tăng đầu tiên trong 4 tháng qua. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ cho mùa hè cao đỉnh điểm cộng với hoạt động lọc dầu gần tối đa công suất của các nhà máy.
Căng thẳng tại khu vực Trung Đông leo thang, đặc biệt tại Syria gây lo ngại hạn chế cung dầu thô từ khu vực này cũng góp phần đẩy giá dầu thô tăng.
Vàng
Giá vàng tuần này biến động phức tạp với các phiên tăng giảm đan xem, biên độ dao động mạnh. Giá đầu tuần giảm mạnh, có phiên mất hơn 5% xuống dưới 1.200 USD/oz, tuy nhiên đến cuối tuần giá phục hồi trở lại. Kết thúc tuần qua, giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex chốt tại 1.223,7 USD/oz. Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco hiện đứng ở mức 1.235,3 USD/oz.
Giá vàng giảm 27% kể từ đầu năm nay, sau khi tăng liên tiếp trong 12 năm trước đó. Khoảng 61 tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ tín thác vàng từ đầu năm nay khi nhà đầu tư rời bỏ vàng.
Hàng loạt các ngân hàng lớn hạ dự báo giá vàng. HSBC dự báo giá vàng năm nay xuống 1.396 USD/oz, giảm mạnh từ mức dự báo trước 1.542 USD/oz, giá vàng năm tới cũng chỉ rơi vào khoảng 1.435 USD/tấn. BNP Paribas cũng hạ dự báo giá vàng trung bình năm nay và năm 2014 giảm tới hơn 20% so với dự báo tháng trước. Morgan Stanley nhận định giá vàng năm nay chỉ vào khoảng 1.409 USD/oz từ mức 1.487 USD/oz dự báo trước đó, giá còn tiếp tục giảm đến năm 2015, giá trung bình chỉ là 1.300 USD/oz.
Ấn Độ tiếp tục tăng cường các biện pháp hạn chế người dân mua vàng do thâm hụt thương mại cao nước này phải gánh chịu. Trong khi đó, các nhà khai mỏ Trung Quốc tuyên bố sản lượng vàng khai thác nước này sẽ tăng kỷ lục bất chấp giá giảm. Trung Quốc là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới từ năm 2007, sau khi vượt Nam Phi
Đồng
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME giảm gần 1% so với cuối tuần trước, chốt tại 6.748,25 USD/tấn. Giá đồng giảm tổng cộng 7,7% trong tháng này và 10% trong quý II, quý giảm mạnh nhất kể từ quý III năm 2011.
Giá đồng giảm do khả năng sản xuất công nghiệp Trung Quốc có thể chững lại do nguyên nhân khan hiếm tiền mặt đầu tư, trong khi chính phủ chưa có bất cứ động thái nào hỗ trợ.
Giá còn giảm do cung dồi dào. Dự trữ đồng tại sàn LME được bổ sung thêm cung từ Bỉ và Malaysia dẫn tới trữ lượng lên cao nhất 10 năm qua. Hãng Freeport cũng mới quay lại sản xuất sau hơn 1 tháng đóng cửa từ thảm họa sập hầm lò. Nguồn cung đồng thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng.
Ngũ cốc, hạt có dầu
Giá ngũ cốc hạt có dầu tuần này giảm mạnh. Giá ngô, đậu tương, lúa mì đều đang ở mức thấp nhất nhiều tháng qua. Cụ thể, chốt tuần này, giá ngô giao tháng 12 giao dịch tại 5,11 USD/giạ, thấp nhất 32 tháng, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 là 12,52 USD/giạ, thấp nhất hơn 1 năm, giá lúa mỳ giao tháng 12 là 6,5775 USD/giạ, thấp nhất 12 tháng qua.
Nguyên nhân chính khiến giá nông sản giảm mạnh do báo cáo của Bộ Nông nghiêp Mỹ về số liệu diện tích gieo trồng và sản lượng của nông dân. Theo đó, diện tích trồng ngô Mỹ tăng cao nhất kể từ năm 1936, diện tích lúa mỳ cũng cao nhất 4 năm.
Nguồn Dân Việt