Chủ Nhật | 28/07/2013 11:21

Tuần 22-28/7: Giá hàng hóa nguyên liệu giảm tuần đầu tiên trong tháng 7

Giá hàng hóa tuần qua giảm do sản xuất của Trung Quốc yếu, các ngân hàng lớn của Mỹ có thể bị cấm giao dịch hàng hóa vật chất.
Chỉ số S&P GSCI theo dõi 24 hàng hóa nguyên liệu thô giảm 2,1% xuống còn 636,81 điểm.

Giá hàng hóa tuần này bất ngờ giảm sau 3 tuần tăng liên tiếp do những biến động kinh tế vi mô thế giới. Đầu tuần, thị trường được cổ vũ nhờ thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chiến thắng bầu cử, tăng kỳ vọng ông tiếp tục theo đuổi các chính sách cải cách kinh tế, nới lỏng tiền tệ mạnh tay.

Thị trường hàng hóa hướng nhiều sự chú ý tới Trung Quốc trong tuần này. Giá hàng tăng sau cam kết của chính phủ Trung Quốc đảm bảo không để tốc độ tăng trưởng rơi xuống dưới mức sản 7%. Tuy nhiên chỉ một ngày sau đó, thị trường đón nhận chỉ số thu mua sản xuất (PMI) sơ bộ của nước này xuống thấp nhất 11 tháng, gây thất vọng cho giới đầu tư về cầu tiêu thụ hàng hóa, đẩy giá xuống thấp.

Tại Mỹ, thị trường rung rộng trước cú shock các ngân hàng đầu tư có thể bị cấm tham gia giao dịch hàng hóa vật chất, cấm sở hữu các bồn chứa dầu hay kho kim loại thô. Bộ Tư pháp Mỹ cũng vào cuộc điều tra thăm dò các doanh nghiệp, ngân hàng bị tố cáo đang lũng đoạn thị trường, hưởng lợi nhờ điều tiết cung hàng hóa.

Giới đầu tư đang tiếp tục chờ kết quả họp Ủy ban thị trường mở của Fed trong tuần tới, nhằm xác định cắt giảm chương trình nới lỏng tiền tệ Mỹ có được sớm thực hiện hay không.
Dầu thô

Giá dầu thô cũng có tuần giảm đầu tiên trong hơn 1 tháng qua từ mốc cao nhất 16 tháng cuối tuần trước. Giá dầu thô WTI giao tháng 8 giảm 3,1% xuống còn 105,4 USD/thùng, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 0,8% xuống còn 107,17. Chênh lệch giá dầu Brent và dầu WTI tuần này nới rộng lên sát 2,5 USD/thùng.

Giá dầu thô giảm do sản xuất chậm lại ở Trung Quốc giảm nhu cầu tiêu thụ. Chính phủ nước này vừa yêu cầu 1.400 công ty thuộc 19 ngành sản xuất cộng nghiệp cắt giảm công suất dư thừa trong năm nay, nhằm hướng tăng trưởng kinh tế chậm nhưng bền vững hơn.

Giá dầu thô giảm còn do năng lực sản xuất của Mỹ tăng vọt nhờ công nghệ khai thác, chiết suất dầu đá phiến phát triển. Sản lượng dầu thô tăng 0,9% lên 7,56 triệu thùng/ngày, cao kỷ lục 22 năm. Nhu cầu tiêu thụ cao điểm vào mùa hè bắt đầu có dấu hiệu chững lại và giảm dần.

Vàng

Giá vàng tăng 3 tuần liên tiếp, mức tăng tổng cộng 9% kể từ khi Fed phát biểu chỉ cắt giảm nới lỏng tiền tệ khi đảm bảo kinh tế đủ mạnh và thất nghiệp giảm. Riêng tuần này, giá vàng giao dịch kỳ hạn trên sàn Comex tăng 3%, chốt tuần tại 1.321,5 USD/oz.

Giá vàng tăng nhờ USD yếu đi khi các nhà đầu tư vẫn tiếp tục kỳ vọng Fed sẽ duy trì kích thích kinh tế.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngân hàng trung ương các nước mới nổi vẫn tiếp tục gom vàng trong tháng 6 bất chấp giá giảm. Dự trữ vàng đối với các ngân hàng nhằm mục đích giải quyết nợ công, nợ nước ngoài của các nước. Ukraina, Nga, Azerbaijan là những khách hàng mua vào nhiều nhất trong tháng 6. Tuy nhiên 1 số ngân hàng trung ương tai Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Á bắt đầu bán ra phòng ngừa rủi ro.

Các quỹ tín thác tiếp tục bán tháo vàng. Giá trị của các quỹ tín thác vàng bốc hơn gần 57 tỷ USD do nhà đầu tư mất niềm tin vào vai trò lưu trữ giá trị của kim loại quý này. Quỹ tín thác lớn nhất SPDR Goldman Trust bán ra 5,2 tấn vàng trong tuần này, nâng tổng lượng bán ra từ đầu năm đến nay lên tới 414 tấn.

Kim loại

Thị trường kim loại chịu nhiều áp lực từ Trung Quốc sau số liệu sản xuất yếu trong tháng 7. Đặc biệt cuối tuần động thái cắt giảm công suất thừa ngành công nghiệp cho thấy nhu cầu tiêu thụ kim loại thô giảm đáng kể. Kết thúc tuần giá đồng kỳ hạn lao dốc xuống thấp nhất 3 tuần.

Giá đồng giao tháng 9 trên sàn Nymex chốt tuần tại 3,1055 USD/pound, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME giao dịch tại 6.862 USD/tấn tương đương 3,11 USD/pound.
Ngũ cốc, hạt có dầu

Giá ngũ cốc và hạt có dầu giảm tiếp tuần thứ 2 do thời tiết thuận lợi hỗ trợ triển vọng cung dồi dào tại các vùng sản xuất chính. Trên sàn Chicago, giá ngô giao tháng 12 giảm gần 5% chốt phiên cuối tuần tại 4,76 USD/giạ, giá đậu tương giao tháng 11 giảm 3,6% xuống còn 12,2575 USD/giạ; giá lúa mỳ giao tháng 9 giảm 2,1% xuống 6,5025 USD/giạ.

Trong tuần có phiên giá ngô xuống thấp nhất 33 tháng, giá lúa mỳ cũng ghi nhận mức đáy 13 tháng.

Nguồn Dân Việt/Bloomberg


Sự kiện