Chủ Nhật | 18/08/2013 10:10

Tuần 12-18/8: Giá hàng hóa nguyên liệu tăng do nhu cầu tiêu thụ cao

Lượng tiêu thụ kim loại công nghiệp và kim loại quý cao trong khi triển vọng cung nông sản hạn chế do thời tiết không thuận lợi đẩy giá tăng.
Chỉ số giá S&P GSCI theo dõi giá 24 loại hàng hóa nguyên liệu thô tăng 2,2% lên 649,92 điểm.

Tuần qua không có nhiều thông tin vĩ mô tác động đến thị trường hàng hóa. Lo ngại Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm chương trình kích thích kinh tế dịu đi do chưa có động thái chắc chắn nào của Fed về vấn đề này.

Giá hàng hóa tăng chủ yếu do những biến động cung cầu thị trường. Giá vàng, đồng, quặng sắt tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ mạnh đặc biệt từ Trung Quốc. Trong khi đó, giá dầu thô tăng do bất ổn tại Ai Cập có thể làm cung gián đoạn, đồng thời nguy cơ bão tại vịnh Mexico cũng hạn chế một phần sản lượng khai thác. Giá nông sản, thủy sản tăng vọt cũng bắt nguồn từ nguyên nhân lo ngại nguồn cung giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi và dịch bệnh.

Dầu thô

Giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 9 tăng 1,4% so với tuần trước giao dịch tại 107,46 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tháng 10 tăng gần hơn 2% lên 110,4 USD/thùng. Như vậy, từ đầu năm đến nay giá dầu đã tăng tới 17%.

Giá dầu tăng do nhà đầu tư lo ngại gián đoạn cung khu vực Trung Đông trong lúc bạo động leo thang tại Ai Cập. Ngoài ra, áp lực cung hạn chế cao hơn sau khi các công ty năng lượng Mỹ bắt đầu sơ tán nhân viên khỏi khu vực khai thác dầu vùng vịnh Mexico do nguy cơ một cơn bão lớn đe dọa khu vực này.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo dự trữ dầu thô Mỹ tuần trước giảm tiếp 2,81 triệu thùng xuống còn 360,5 triệu thùng. Nguồn dầu tập trung tại cảng Cushing, Oklahoma, Mỹ giảm tuần thứ 6 liên tiếp xuống thấp nhất 16 tháng 38,5 triệu thùng. Cảng Cushing là đầu mối vận chuyển dầu WTI giao dịch kỳ hạn trên sàn Nymex. Điều này cũng là nguyên nhân khiến dầu thô tăng giá.

Vàng

Giá vàng vừa có tuần tăng mạnh nhất hơn 1 tháng qua. Giá giao tháng 12 trên sàn Comex chốt tuần tại 1.371 USD/oz, tăng 4,5% so với tuần trước. Giá vàng giao ngay tại sàn Kitco đang đứng tại 1.377,2 USD/oz, trước đó giá còn vượt 1.380 USD/oz.

Giá vàng tuần qua tăng mạnh sau khi Hội đồng vàng quốc tế công bố, nhu cầu tiêu thụ vàng vật thế giới quý II tăng vọt tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhu cầu vàng của Ấn Độ tăng mạnh nhất với 310 tấn, tiếp đến là Trung Quốc với 275,7 tấn. Giá vàng tăng đồng thời do dấu hiệu quay trở lại nắm giữ vàng của các quỹ ETF. Sau hơn 2 tháng liên tục bán ra, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới mua vàng bất ngờ vào 3 trong 6 phiên qua, nâng lượng nắm giữ thêm 6 tấn vàng.

Ấn Độ nâng thuế nhập khẩu vàng lần thứ 3 trong năm từ 8% lên 10% trong lúc nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Chênh lệch giá vàng Ấn Độ so với giá thế giới lên cao kỷ lục 40 USD/oz.
Kim loại

Giá đồng tăng tuần thứ 3 liên tiếp lên 7.400 USD/tấn, cao nhất 2,5 tháng. Giá đồng tăng hơn 7% từ đầu tháng đến nay, phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất 3 năm ghi nhận hồi tháng 6 do nguyên nhân chủ yếu nhờ sự tăng cường tiêu thụ của Trung Quốc.

Nhập khẩu đồng Trung Quốc tháng 7 lên cao nhất 14 tháng hỗ trợ giá tăng mạnh. Một báo cáo mới đây cho biết Bắc Kinh muốn đẩy mạnh các hoạt động kinh tế hỗ trợ tài chính cho các thành phố và khu vực cũng là tin tốt cho thị trường. Trung Quốc chiếm 40% nhu cầu sử dụng đồng toàn cầu. Giá đồng tại Trung Quốc cao hơn giá thế giới tới 185 USD/tấn.

Dự trữ đồng liên tục giảm cho thấy nhu cầu tăng từ các nhà sản xuất. Từ khi chạm mốc kỷ lục cuối tháng 6, lượng đồng sàn LME nắm giữ giảm tới 13% xuống 588.450 tấn. Dự trữ tại sàn Thượng Hải giảm 20% xuống 151.148 tấn.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Tại sàn Chicago, giá ngô giao tháng 12 tuần này tăng 2,3% lên 4,635 USD/giạ, tuần tăng giá đầu tiên trong 5 tuần qua. Giá đậu tương giao tháng 11 tăng mạnh 6,5%, chốt tuần tại 12,5925 USD/giạ, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất hơn 1 năm qua. Riêng giá lúa mỳ giao tháng 9 giảm nhẹ 1% xuống còn 6,31 USD/giạ.

Giá ngô và đậu tương tăng vọt sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo lượng diện tích đất không trồng được lương thực tăng cộng với thời tiết khô nóng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. USDA cho biết nông dân nộp đơn xin bảo hiểm nông nghiệp tăng cao với tới 3,441 triệu mẫu không thể trồng ngô và 1,619 triệu mẫu không trồng được đậu tương như kế hoạch.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện