Từ vụ việc bà Châu Thị Thu Nga bị bắt: “Siết” khâu lựa chọn đại biểu
Vụ việc bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất (Housing Group) vừa bị cơ quan chức năng bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khiến dư luận không khỏi bức xúc. Vụ việc của bà Nga và nhiều vị đã từng bị Quốc hội bãi nhiệm như ông Mạc Kim Tôn (nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thái Bình), ông Lê Minh Hoàng (nguyên đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh), bà Đặng Thị Hoàng Yến (nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) đặt ra vấn đề cần nhìn nhận lại khâu lựa chọn đại biểu quốc hộ.
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thủ đô, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng đây là sự việc đáng tiếc đối với Quốc hội. Tuy nhiên, sai phạm của một cá nhân không thể làm xấu đi hình ảnh lớn của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội nói chung.
PV: Bà bình luận gì về ý kiến cho rằng vụ việc của bà Châu Thị Thu Nga và một số cá nhân từng bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH trước đó như ông Mạc Kim Tôn, Lê Minh Hoàng, Đặng Thị Hoàng Yến… đang làm xấu đi hình ảnh người đại biểu Quốc hội?
Đại biểu Bùi Thị An: Theo tôi, ý kiến, bình luận đó là quyền của dư luận. Tuy nhiên, đây cũng là sự việc đáng tiếc đối với Quốc hội nói chung.
Qua vụ việc này, theo tôi cần có đánh giá, nhận xét tổng thể để rút kinh nghiệm. Trong quá trình thực hiện không thể tránh được sơ suất, vấn đề là phải cố gắng để hạn chế. Tôi không nghĩ rằng, vì sai phạm của một cá nhân mà làm xấu đi hình ảnh lớn của Quốc hội, của gần 500 đại biểu Quốc hội.
PV: Tuy nhiên, qua vụ việc của những vị đại biểu Quốc hội trên, dư luận không khỏi băn khoăn về quy trình lựa chọn các cá nhân để đưa vào danh sách bầu?
Đại biểu Bùi Thị An: Thực tế, trong quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội, trong Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rất rõ để hình thành một Quốc hội thực sự mạnh, thực sự đại diện cho dân, có thể quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như thực hiện chức năng giám sát tối cao rất cần những cá thể, những đại biểu Quốc hội có năng lực.
Tuy nhiên, để có được những đại biểu dân cử xứng đáng, quy trình lựa chọn là rất quan trọng, cần được quan tâm. Tôi đề nghị cần có đánh giá, rà soát lại xem quy trình lựa chọn đại biểu Quốc hội thời gian qua còn sơ hở ở khâu nào để rút kinh nghiệm.
Muốn lựa chọn được những đại biểu Quốc hội có chất lượng, ngay từ những khâu đầu tiên cần có sự minh bạch về thông tin của cả những người được đề cử và những người ứng cử. Quy trình này hoàn toàn có thể giám sát được, và do chính cộng đồng giám sát: cộng đồng dân cư nơi cá nhân đó sinh sống, nơi họ công tác; kết hợp với sự giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp… Tuy nhiên, để làm được điều này, theo tôi cần có thêm thời gian để cử tri tìm hiểu thông tin về các cá nhân được đưa vào danh sách bầu. Bên cạnh đó việc đảm bảo thông tin về những người ứng cử và đề cử phải đến được với người dân cũng rất quan trọng. Mặt khác, cử tri cũng cần phải quan tâm, có trách nhiệm để lựa chọn những người xứng đáng.
PV: Bà vừa nói về việc giám sát của cộng đồng nơi những người được lựa chọn làm việc. Tuy nhiên, đa phần những người đó thường là lãnh đạo, vậy làm sao cử tri ở đó dám nói ra những sai phạm của lãnh đạo?
Đại biểu Bùi Thị An: Việc bảo vệ những cá nhân đứng ra tố cáo việc làm phạm pháp của một ai đó, đặc biệt khi họ là những người ứng cử và đề cử vào Quốc hội đã có luật quy định. Sẽ không có gì đáng lo ngại nếu những lời tố cáo là đúng sự thực, những người tố cáo sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, điều đáng nói là các tổ chức, cơ quan, chính quyền cần quan tâm và có trách nhiệm đến vấn đề này khi những người tự ứng cử hay được đề cử có “vấn đề”, thậm chí có khi phải loại ngay từ đầu.
Không chỉ có quần chúng phát hiện mà cơ quan quản lý cũng sẽ phát hiện được ngay nếu có sai phạm bằng chính những công cụ trong quá trình quản lý. Dù là người ứng cử hay đề cử đều có các cơ quan chức năng quản lý họ.
PV: Được biết, bà Châu Thị Thu Nga là đối tượng tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Sau vụ việc này, theo bà cần làm gì để tăng cường mức độ minh bạch về thông tin của những người tự ứng cử và được đề cử đại biểu Quốc hội?
Đại biểu Bùi Thị An: Các luật tới về bầu cử HĐND, bầu cử Quốc hội đã được quy định khá chặt chẽ và rất rõ. Những người ứng cử hay đề cử cần phải chấp hành nghiêm theo luật pháp quy định thì sẽ không xảy ra các tiêu cực. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần chấp hành nghiêm luật định, không thể có “đặc cách” cho bất cứ cá nhân nào. Tuân thủ pháp luật sẽ hạn chế được những vụ việc đáng tiếc như vụ việc của bà Châu Thị Thu Nga vừa qua.
PV: Vậy theo bà, có cơ chế nào để có thể lựa chọn và sau đó thực hiện giám sát tư cách của các đại biểu Quốc hội?
Đại biểu Bùi Thị An: Khâu lựa chọn những người xứng đáng để bầu vào Quốc hội là rất quan trọng. Trước tiên, các cấp quản lý phải có trách nhiệm và sau đó là trách nhiệm của người dân. Không có phương tiện giám sát nào bằng chính dư luận nhân dân. Sự minh bạch thông tin cùng với sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng sẽ giúp lựa chọn được những cá nhân ưu tú, loại bỏ ngay từ đầu những người không xứng đáng.
Một vấn đề đáng nói là bản thân người dân, những cử tri cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, có ý thức đối với lựa chọn của mình dành cho những người sẽ là đại diện cho họ trên nghị trường.
Còn việc để giám sát các đại biểu sau khi được lựa chọn, mới đây, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội có nhiều ý kiến đề nghị nên để cử tri giám sát định kỳ là tốt nhất.
Tôi nhấn mạnh lại, không thể tránh được sơ suất trong quá trình lựa chọn, nhưng cần nhìn nhận để thấy rõ thực chất, nguyên nhân của sự việc để rút kinh nghiệm chứ không thể quá cầu toàn, cực đoan.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn VOV