Từ thương vụ tỉ USD đến áp lực tỉ giá
Tháng 4 không phải là tháng thuận lợi của Chính phủ trong việc phát hành trái phiếu, khi mà Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được hơn 8.523 tỉ đồng, tương đương hơn 54% khối lượng huy động hồi tháng 3 và 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đó là với đồng nội tệ, còn ngoại tệ thì lại khác. Một tỉ USD vừa được Chính phủ huy động và lại đến từ một tổ chức trong nước là Vietcombank. Thương vụ này được đánh giá là chưa từng có tiền lệ.
Nói là chưa có tiền lệ bởi việc các tổ chức trong nước mua trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ là điều rất hiếm hoi, trừ những thị trường có chính sách tỉ giá tự do. Hơn nữa, thông thường, Chính phủ phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường quốc tế. Từ trước đến nay, Việt Nam chỉ có hai lần phát hành thành công trái phiếu ngoại tệ và lần gần đây nhất là thương vụ phát hành 1 tỉ USD vào cuối năm ngoái. Đó là lý do thương vụ 1 tỉ USD của Vietcombank, khi được công bố, đã thu hút nhiều sự chú ý.
Thực ra, ngay từ hồi Đại hội cổ đông cuối tháng 4, những nhà điều hành của Vietcombank đã úp mở về một giao dịch chưa từng có với quy mô lên đến hơn 20.000 tỉ đồng. Dù xét về quy mô, lượng giao dịch lần này vẫn còn nhỏ so với quy mô trái phiếu phát hành của Chính phủ (lên đến 47 tỉ USD vào năm 2014), nhưng nếu so với chính Vietcombank thì lại rất lớn. Theo báo cáo thường niên năm 2014, quy mô trái phiếu mà Vietcombank nắm giữ chỉ khoảng 13.163 tỉ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề quy mô, thương vụ tỉ USD lần này còn có nhiều điểm mới khác.
Bản chất của việc phát hành trái phiếu là để thu xếp nguồn vốn cho chính phủ. Số tiền này có thể được mang đi để chi tiêu, đầu tư hay trả nợ. Nhưng “nếu đáp ứng nhu cầu đầu tư thì đồng nội tệ đã đủ rồi”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết. Chính vì thế, theo ông Hiếu, có thể đó là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang ở trong một tình thế giải tỏa cơn khát ngoại tệ và phục vụ cho mục đích thanh toán các khoản vay quốc tế.
Đợt phát hành lần này cũng không công khai, mà nhắm trực tiếp vào tổ chức kinh tế có nhiều ngoại tệ nhất. Vietcombank hiện đang nắm giữ thị phần thanh toán xuất nhập khẩu lớn nhất ở Việt Nam. Ngân hàng này cũng có nguồn thu USD rất tốt từ các giao dịch và cả các khoản tiền gửi. Thậm chí, tỉ giá giao dịch ở Vietcombank còn được xem là tỉ giá giao dịch tham khảo cho toàn thị trường. Nói như vậy, Chính phủ đã có một lý do rõ ràng để triển khai thương vụ này. Đó là tận dụng đồng USD nhàn rỗi ở thị trường nội địa thay vì mệt nhọc đấu trí để thu xếp vốn trên thị trường quốc tế.
Xét riêng về thương vụ Vietcombank, đây là một thương vụ tốt, theo ông Hiếu. Mức lãi suất 4,8% theo thông tin trên báo giới được xem là cao, đặc biệt khi trái phiếu chính phủ vốn có hệ số rủi ro gần như bằng 0, ngân hàng không phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, như nhận xét của ông Hiếu: “Vietcombank không phải chịu rủi ro, mà là nền kinh tế”.
Rủi ro về nền kinh tế mà ông Hiếu muốn nói tới ở đây chính là thị trường tỉ giá. Theo đại diện của Vietcombank, Ngân hàng đã chuẩn bị nguồn vốn trong cả năm qua để thực hiện thương vụ mua lại 1 tỉ USD trái phiếu chính phủ. Điều đó có nghĩa là một lượng USD đáng kể được rút ra. Đây là một mối lo ngại, nhất là trong bối cảnh thị trường tỉ giá đang sôi động.
Sóng ngầm trên thị trường tỉ giá vào những ngày đầu tháng 5 đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước giải quyết bằng động thái điều chỉnh tỉ giá tăng thêm 1% vào ngày 7.5 vừa qua, lên mức 21.673 VND/USD. Trước đó, tỉ giá đã được điều chỉnh tăng thêm vào tháng 1 đầu năm, cũng ở mức 1%. Còn trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh 1 lần vào hồi giữa năm (mức tăng 1%).
Một điểm chung giữa những đợt giảm giá tiền đồng gần đây là tỉ giá mua bán liên tục được điều chỉnh ở nhiều ngân hàng và sự chênh lệch giữa đồng USD bán ở ngân hàng và thị trường tự do bỗng trở nên lớn hơn bình thường.
Dù được điều chỉnh tăng lên nhưng theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, thị trường chỉ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý. “Trong 2 ngày vừa qua, nhu cầu mua, bán ngoại tệ với khách hàng không có gì đột biến, tỉ giá tăng là do yếu tố tâm lý,” đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ trả lời báo giới. Theo đó, trong tháng 4, các tổ chức tín dụng đã mua ròng ngoại tệ từ khách hàng và trạng thái ngoại tệ đã được cải thiện đáng kể so với tháng 3.
Còn theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC, áp lực tăng tỉ giá lần này một phần là do thâm hụt cán cân thương mại từ đầu năm đến nay, với con số 3,3 tỉ USD. “Con số chưa từng thấy kể từ năm 2011”, báo cáo viết. Dù vậy, HSBC cho rằng đợt điều chỉnh lần này là do Ngân hàng Nhà nước chủ động đi trước thị trường. Trong khi đó, ANZ đánh giá rằng việc điều chỉnh là “không có gì ngạc nhiên”.
Như vậy, dư địa điều chỉnh tỉ giá theo cam kết của Ngân hàng Nhà nước từ hồi đầu năm xem như đã hết. Về dự báo tỉ giá cuối năm, HSBC cho rằng tỉ giá vẫn nằm trong khung biên độ giao động chính thức, còn ANZ lại dự báo ở mức 22.050 VND/USD, tức cao hơn mức cam kết duy trì của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay.
Hãy quay trở lại với bài toán vay USD của Chính phủ từ Vietcombank. Thương vụ này ít nhiều cũng tác động lên thị trường ngoại hối và gây áp lực trong tương lai. “Liệu Chính phủ có đủ ngoại tệ để trả lại hay không?”, ông Hiếu đặt câu hỏi. Nếu là tổ chức quốc tế, rất khó để hủy bỏ hay đàm phán lại cam kết ban đầu, nhưng vì Vietcombank là tổ chức trong nước, lại thuộc quyền chi phối của Nhà nước nên đây lại là chuyện khác.
Trong trường hợp Nhà nước huy động USD từ trong nước để trả nợ, thị trường tỉ giá có lẽ sẽ thêm một lần dậy sóng. Nhưng đó là câu chuyện tương lai, còn ở hiện tại, có thể thấy Chính phủ hiện không chỉ cạnh tranh nguồn vốn với tư nhân bằng đồng nội tệ mà còn bằng ngoại tệ. Do đó, sức ép cho thị trường sẽ là không nhỏ.
Thanh Phong