Thứ Hai | 29/09/2014 05:48

Từ thương vụ Standard Chartered, đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ dậy sóng?

Ngay sau chuỗi nhà hàng Golden Gate, quỹ đầu tư tư nhân của Standard Chartered tiếp tục công bố sẽ mua lại một phần vốn của Bảo vệ thực vật An Giang.
Liệu tân binh mới này có làm sôi động thêm làn sóng đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam?

Vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam đang có dấu hiệu trở lại. Theo Quỹ Đầu tư Dragon Capital, giá trị dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam tính đến ngày 15/8 đã lên tới 416 triệu USD, một mức tăng đáng kể so với con số 326 triệu USD giá trị mua ròng của cả năm ngoái.

Kết quả này là một minh chứng phản ánh khá rõ xu hướng nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực hơn trong việc trở lại tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô đã ổn định hơn nhiều so với cách đây 3 năm. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tỉ giá ổn định trong khi Việt Nam vẫn đang tiếp tục quá trình chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

Trong xu hướng chung đó, Standard Chartered Private Equity, quỹ đầu tư tư nhân của Ngân hàng Standard Chartered, gần đây đã gây bất ngờ khi công bố khoản đầu tư đầu tiên của quỹ này vào Việt Nam trị giá đến 35 triệu USD. Đây là khoản nhận chuyển nhượng lại từ phần vốn đầu tư vào hệ thống nhà hàng Golden Gate của Quỹ Mekong Capital, một quỹ đầu tư tư nhân đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2001.

z

Giá trị gốc của số tiền thoái vốn lần này trong Golden Gate của Mekong Capital không được tiết lộ, nhưng chắc chắn mức lợi nhuận mà Mekong Capital thu về là không nhỏ. Năm 2008, Quỹ đã rót 2,6 triệu USD vào Golden Gate và vào năm 2010 đã thoái một phần vốn. Vì thế, đợt thoái vốn lần này ước tính đã mang lại cho Mekong Capital suất sinh lợi nội tại gộp (Gross IRR) lên đến 45%.
Vì sao là Việt Nam?

Dường như quỹ đầu tư tư nhân của Standard Chartered đang có một kế hoạch lớn đối với thị trường Việt Nam, vì ngay sau thương vụ Golden Gate, quỹ này tiếp tục công bố sẽ mua 34,39%, tương ứng với hơn 22,4 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang. Vì chưa niêm yết nên giá cổ phiếu của Bảo vệ Thực vật An Giang chưa được xác định rõ, nhưng nếu mua thì giá cổ phiếu mà quỹ của Standard Chartered mua ắt hẳn phải lớn hơn nhiều so với con số 30.000 đồng/cổ phiếu ưu đãi mà Bảo vệ Thực vật An Giang đã bán cho nông dân vào cuối năm ngoái, tức số tiền bỏ ra phải lớn hơn 32 triệu USD.

Vậy quỹ đầu tư tư nhân của Standard Chartered là ai? Theo thông tin từ Bloomberg, quỹ này có trụ sở chính ở Singapore, chuyên đầu tư vào các công ty từ giai đoạn giữa của vòng đời phát triển. Phạm vi đầu tư của Quỹ khá lớn, từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á cho đến châu Phi, Trung Đông. Một sở thích đặc biệt của quỹ đầu tư này là thực hiện các thương vụ có giá trị từ 25 triệu USD trở lên. Hiện Quỹ đã đầu tư khoảng 6 tỉ USD vào 100 công ty tại các thị trường mà Ngân hàng Standard Chartered hoạt động.

Một số thương vụ nổi bật gần đây của Standard Chartered Private Equity là thương vụ rót 124 triệu USD vào một công ty bất động sản ở Trùng Khánh (Trung Quốc) vào tháng 7/2014. Tiếp theo đó vào tháng 9, liên doanh của quỹ này với công ty đầu tư Tiger Group Investments đã chi 95 triệu USD để đầu tư vào Công ty Hóa chất Greathorse có trụ sở ở Thượng Hải. Tháng 5 năm ngoái, Quỹ cũng đã hoàn tất thương vụ đầu tư 75 triệu USD vào một công ty năng lượng ở Hồng Kông. Và giờ đây, quỹ đầu tư của Standard Chartered lại tiếp tục cuộc chinh phạt thị trường Việt Nam với phát pháo đầu tiên là hệ thống nhà hàng Golden Gate.
z
Một số thương vụ gần đây của Standard Chartered Private Equity.

Golden Gate có lẽ là cái tên không hề xa lạ gì với nhiều người dân ở Hà Nội và TP.HCM. Được thành lập vào năm 2005 với chiến lược phát triển các thương hiệu nhà hàng mang phong cách hiện đại, Golden Gate đã khá thành công khi nắm trong tay 67 nhà hàng với 11 tên gọi khác nhau như Kichi Kichi, Vuvuzela, SumoBBQ, Isushi, Ba Con Cừu, Daruma, Gogi House, trở thành một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Với việc nhận được nguồn vốn mới từ quỹ đầu tư tư nhân của Standard Chartered, Golden Gate đang có tham vọng sẽ đạt đến 200 nhà hàng vào năm 2018 và giá trị doanh nghiệp sẽ tăng đến con số 200 triệu USD. Liệu tham vọng này có khả thi?

g

Chia sẻ với NCĐT, ông Sean T. Ngo, Giám đốc Điều hành công ty tư vấn Vietnam Franchises, cho rằng ngành ăn uống của Việt Nam là ngành thu hút sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư tư nhân. Golden Gate là một trong những công ty đã thực hiện tốt việc khai khác thị trường có quy mô lớn của Việt Nam và mang lại cơ hội cho người dân trong nước tiếp cận với các phong cách nhà hàng mới hiện đại từ phương Tây và các quốc gia châu Á khác.

“Với viễn cảnh thu nhập khả dụng đang tăng lên cùng quy mô dân số lớn (hơn 90 triệu dân và vẫn đang tăng lên), dường như thương vụ này sẽ mang lại kết quả tốt cho quỹ của Standard Chartered, dù số vốn bỏ ra là không hề nhỏ”, ông nói.

Thực vậy, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, kết hợp với quy mô dân số đứng thứ 13 thế giới và thứ hai ở Đông Nam Á mà phần lớn là dân số trẻ với nhu cầu hưởng thụ phong cách mới, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm thức uống hay bất động sản, những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao và nhu cầu lớn. Ngoài ra, các cơ hội đầu tư mang lại suất sinh lợi ổn định vào lĩnh vực y tế, giáo dục hay nông nghiệp cũng đang thu hút các quỹ.

Ngoài quỹ đầu tư của Standard Chartered, một số quỹ đã hoạt động ở Việt Nam cũng tích cực chuẩn bị chiến dịch huy động một lượng vốn mới trị giá hàng trăm triệu USD để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới ở Việt Nam như Mekong Capital, hay Dream Incubator đến từ Nhật.

Mới đây, GIC, quỹ đầu tư quốc gia của Chính phủ Singapore, đã trở thành cổ đông lớn của hãng taxi Vinasun với tỉ lệ sở hữu 7,96%. Năm ngoái, GIC đã chính thức đầu tư vào Việt Nam khi mua lại 3,04% cổ phần FPT từ khoản thoái vốn của tỉ phú Richard Chandler. Năm nay, GIC cũng đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam khi mua 1,9 triệu cổ phiếu, tương ứng với 4,71% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN).

Quỹ đầu tư quốc gia số 1 thế giới Norges Bank của Na Uy với quy mô tài sản 686 tỉ USD (năm 2012) cũng rất hứng thú với Việt Nam khi rót vốn vào nhiều công ty hàng đầu như Vinamilk, Thép Hòa Phát, hay Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM).

Năm ngoái, Quỹ Đầu tư Warbug Pincus (Mỹ) cũng đầu tư 200 triệu USD vào Tập đoàn Vingroup. Hay Mapletree (Singapore) bỏ ra 54 triệu USD để mua lại tòa nhà Centre Point (quận Phú Nhuận, TP.HCM), trong khi TPG cũng chi ra 50 triệu USD để sở hữu 49% cổ phần của Công ty Nông nghiệp Masan, công ty thành viên của Tập đoàn Masan.

Trong các năm tới, cơ hội của Việt Nam còn nằm ở tiềm năng từ các khoản thoái vốn bắt buộc của các doanh nghiệp nhà nước, việc cổ phần hóa khối doanh nghiệp này, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng lớn cũng như nhiều hiệp định thương mại và kinh tế lớn như TPP, RCEP và AEC có thể thúc đẩy giá trị xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo đánh giá của Dealmarket, một trang điện tử dành riêng cho các quỹ đầu tư tư nhân, không chỉ riêng Việt Nam, hiện nhiều quỹ đầu tư tư nhân còn nhìn tổng thể khu vực Đông Nam Á như một điểm đến đầy hứa hẹn mới mà trong đó, ngoài Việt Nam thì Myanmar, Thái Lan và Philippines cũng thu hút nhiều sự chú ý của các quỹ này.
Không phải mọi thứ đều màu hồng

Việc Việt Nam liên tục nhận được dòng vốn đầu tư của các quỹ là điều đáng mừng, vì nguồn lực bên ngoài này sẽ giúp hỗ trợ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy vậy, dù sao Việt Nam vẫn là nền kinh tế mới nổi còn sơ khai (frontier market), tức tiềm năng lợi nhuận lớn sẽ đi kèm với rủi ro lớn.
s
Thực vậy, những khó khăn chính ở Việt Nam vẫn chưa có phương thuốc khắc phục hiệu quả. Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trạng thái ngủ đông dù đang có chút hơi ấm. Hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc. Các cơ chế mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ như chính sách nới giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư ngoại, chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt nam vẫn chưa bàn thảo xong.

Trong khi đó, một yếu tố khác rất quan trọng quyết định khả năng thành công của các quỹ đầu tư tại Việt Nam là liệu thu nhập của người dân có tăng mạnh trong các năm tới hay không. Việt Nam mới vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp và khả năng quay trở lại mức tăng trưởng cao 7-8%/năm vẫn là thách thức lớn.

Đó còn là thách thức từ môi trường kinh doanh phức tạp của Việt Nam. Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí trung bình, thứ 68 trên tổng số 144 quốc gia được xếp hạng. Trong đó, ngoài quy mô thị trường tiêu thụ được đánh giá khá cao (vị trí 34) thì hầu hết các tiêu chí khác, Việt Nam tiếp tục đứng ở mức trung bình và thấp, đặc biệt yếu tố phức tạp của môi trường kinh doanh được đánh giá không mấy tích cực (vị trí 106).

Vì vậy, có lẽ ngoại trừ các quỹ đã vào Việt Nam khá lâu như Dragon Capital, Mekong Capital hay VinaCapital, việc thích nghi với môi trường kinh doanh mới mẻ ở Việt Nam sẽ là thách thức không mấy dễ chịu đối với các quỹ mới như Standard Chartered Private Equity. Ngay khoản đầu tư của quỹ này vào chuỗi nhà hàng Golden Gate cũng đã thấy thách thức. Golden Gate sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày một lớn không chỉ từ các công ty trong ngành mà còn từ các sản phẩm thay thế như thực phẩm đóng hộp.

Theo đánh giá quý II/2014 của hãng tư vấn Business International Monitor, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh và nguồn gốc thực phẩm để bảo vệ sức khỏe. Điều này có thể khuyến khích họ sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm được chế biến sẵn. Cũng theo hãng tư vấn này, với việc thắt chặt chi tiêu hơn, người dân thành thị có xu hướng cắt giảm việc ăn uống tại nhà hàng để tiết kiệm tiền, thay vào đó là dùng sản phẩm đóng hộp hay chế biến sẵn.

Ngoài ra, theo ông Sean T. Ngo, Vietnam Franchises, dù thị trường ăn uống Việt Nam đang có những cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng các thách thức trong ngành này vẫn tiếp diễn như giá thuê bất động sản tiếp tục tăng, thiếu các không gian bán lẻ hiện đại và phù hợp, hệ thống cung ứng yếu kém. Và đặc biệt, việc xây dựng một đội ngũ quản lý người Việt Nam cấp cao giàu kinh nghiệm tiếp tục là vấn đề gây đau đầu.

Nguồn Nhịp Cầu Đầu Tư


Sự kiện