Ảnh: HD

 
Hà Linh Thứ Tư | 23/10/2019 22:02

Từ sự việc nhà hàng Món Huế, nhìn lại những chuỗi F&B bất ngờ đóng cửa tại Việt Nam

Trước Món Huế, hàng loạt chuỗi cửa hàng F&B (thực phẩm và đồ uống) đình đám một thời cũng bất ngờ dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Hàng loạt cửa hàng Món Huế dừng hoạt động

Chiều 22/10, hàng loạt cửa hàng và chi nhánh của chuỗi nhà hàng Món Huế đã đóng cửa và treo biển thông báo trả mặt bằng. Có địa điểm, Món Huế chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng dù còn 3 tháng đã trả phí, chấp nhận mất khoảng 450 triệu đồng.

Trong khi đó, hàng trăm nhà cung cấp đang cung ứng hàng cho chuỗi Món Huế tố, bị chủ doanh nghiệp hệ thống này quá hạn thanh toán tiền hàng. Hiện văn phòng chính của doanh nghiệp này trống trơn, không liên lạc được với lãnh đạo, website công ty cũng ngừng hoạt động.

Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền Công ty Huy Việt Nam chưa thanh toán cho các đơn vị này lên đến gần 35 tỷ đồng, bao gồm nhiều mặt hàng từ thực phẩm như thịt bò, thịt heo, giò chả, rau củ quả... cho đến các dịch vụ truyền thông và thiết bị văn phòng, nhà hàng như camera, máy in...

23 cửa hàng trà sữa Ten Ren đóng cửa

Tháng 8/2019, Ten Ren, một thương hiệu trà sữa của Đài Loan do Công ty CP TMDV Trà Cà Phê Việt Nam (chủ sở hữu chuỗi The Coffee House) nhận nhượng quyền tại Việt Nam đã tuyên bố đóng cửa 23 chuỗi cửa hàng trà sữa tại TP.HCM và Đồng Nai.

Ten Ren đã rút khỏi Việt Nam từ giữa tháng 8/2019. Ảnh: TL
Ten Ren đã rút khỏi Việt Nam từ giữa tháng 8/2019. Ảnh: TL

Lý do được chủ sở hữu chuỗi trà sữa này đưa ra là mô hình kinh doanh của Ten Ren chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng và kết quả chưa đạt kỳ vọng.

Thay thế các cửa hàng trà sữa Ten Ren, ông Võ Duy Phú - Giám đốc Thương mại và Marketing The Coffee House, cho biết phần lớn mặt bằng của 23 cửa hàng Ten Ren đã được chuyển nhượng cho chuỗi trà sữa khác với thương hiệu Toocha.

The Kafe âm thầm rút lui

Trước đó, tháng 4/2017, toàn bộ chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng The KAfe tại Hà Nội và TPHCM cũng đã đóng cửa. Đặc biệt, chuỗi cửa hàng này có liên quan tới Món Huế khi ông  Dennis Nguyễn, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề tài chính của công ty Huy Việt Nam (chủ sở hữu của chuỗi nhà hàng Món Huế) là người từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của The KAfe sau khi quỹ ngoại từ Hong Kong rót vốn.

Ra đời năm 2013, The KAfe của nhà sáng lập Đào Chi Anh từng là biểu tượng của startup Việt với mô hình chuỗi cửa hàng cà phê. Năm 2016, chuỗi này nhận được 5,5 triệu USD vốn đầu tư từ Cassia Investment (Hong Kong).

tháng 4/2017, toàn bộ chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng The KAfe tại Hà Nội và TPHCM cũng đã đóng cửa. Ảnh:
Tháng 4/2017, toàn bộ chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng The KAfe tại Hà Nội và TPHCM cũng đã đóng cửa. Ảnh: Doanhnhansaigon.vn

Giữa lúc hệ thống liên tục mở rộng với hàng chục cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, tháng 10/2016 nhà sáng lập Đào Chi Anh bất ngờ rời khỏi ban lãnh đạo công ty sau 3 năm hoạt động và hơn một năm nhận vốn "khủng".

Đến tháng 4/2017, toàn bộ cửa hàng của The KAfe đều lần lượt đóng cửa. Phía chủ sở hữu cũng như nhà đầu tư Cassia Investment không hề đưa ra bất cứ lời giải thích nào về việc rời bỏ thị trường của chuỗi cà phê nổi tiếng này.

NYDC đóng hết mặt bằng tại sau 7 năm kinh doanh

Một thương hiệu cà phê đình đám khác ra đi trong sự bất ngờ của người dân TP HCM là NYDC (New York Dessert Café) của Singapore.

Quán cà phê NYDC cuối cùng tọa lạc ngay trung tâm quận 1, với hướng nhìn ra nhà thờ Đức Bà, công xã Paris đóng cửa vào tháng 7/2016,  khiến nhiều người bất ngờ. Bởi quán này vốn là điểm tập trung đông đúc khách hàng thành thị thuộc phân khúc trung đến cao cấp tại TP HCM.

Tháng 7/2016, thương hiệu cafe đình đám NYDC ra đi trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ảnh: diadiemanuong
Tháng 7/2016, thương hiệu cafe đình đám NYDC ra đi trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ảnh: diadiemanuong

Đầu tháng 11/2009, NYDC chính thức có mặt tại TP HCM. Theo kế hoạch, ông chủ của Tập đoàn SUTL đặt mục tiêu sẽ có 20 cửa hàng tại Việt Nam trong 5 năm.

Để thực hiện mục tiêu này, công ty ước tính sẽ đầu tư 250.000-300.000 USD cho một cửa hàng, chủ yếu tập trung tại các mặt bằng ở trung tâm thành phố, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, việc xác định vị trí này đã khiến NYDC gặp khó, khi chi phí mặt bằng rất cao. Vì vậy, số lượng điểm kinh doanh của NYDC không phát triển được nhiều như kì vọng mà chỉ đếm được trên đầu ngón tay, với 6 cửa hàng.

Tương tự, nhiều chuỗi cửa hàng đồ ăn và cà phê từng mở tại Việt Nam với hàng chục cửa hàng nhưng cũng phải rời bỏ thị trường vì làm ăn thua lỗ như chuỗi cà phê Gloria Jean’s Coffee; Coffee Bar...

Cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành F&B

Trước sự ra đi của hàng loạt chuỗi cửa hàng F&B đình đám, giới chuyên gia cho rằng các nhà hàng chuỗi đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh từ các nhà hàng riêng lẻ, từ các cửa hàng tiện lợi và tạp hóa cung cấp đồ ăn liền. Chưa kể, còn có những nguyên nhân chủ quan khác từ bản thân doanh nghiệp (DN).

Áp lực về chi phí mặt bằng, nguyên liệu nhập khẩu tăng lên, khiến cho lợi nhuận của các chuỗi cửa hàng sụt giảm mạnh. Theo bà Linh Nguyễn, chủ thương hiệu trà sữa Easy Life, hiện nay ngành F&B không chỉ cạnh tranh về khách hàng với nhau mà còn cạnh tranh về mặt bằng, nhân lực, nguồn nguyên liệu và tất cả mọi thứ. Cho nên, đó là một cuộc chiến khốc liệt.

►Trà sữa hết ngọt vì cạnh tranh khốc liệt

Vì sao nhiều nhà hàng Món Huế dừng hoạt động?

Tạm biệt Ten Ren

Nguồn Tổng hợp