Từ phí ATM nghĩ đến mô hình ngân hàng bán lẻ Việt Nam
Gần đây, báo chí nhắc nhiều đến Thông tư số 35 của Ngân hàng Nhà nước quy định phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa trên ATM. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh quy định này: Tại sao lại phải thu phí giao dịch ATM vào lúc này? Có phải ngành ngân hàng đang bị sức ép về lợi nhuận do mảng tín dụng không còn tăng trưởng cao? Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đưa ra một góc nhìn khác về phí giao dịch ATM gắn với xu thế ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.
Thời hoàng kim của ngành ngân hàng không phải đã đi qua mà là đã đến lúc bước sang một giai đoạn phát triển mới gắn với định vị chiến lược của từng ngân hàng. Sau giai đoạn khủng hoảng, các ngân hàng còn tồn tại và phát triển mạnh sẽ là những ngân hàng có thể định vị được chiến lược phát triển để tạo sự khác biệt và đón đầu xu thế mới.
Những năm 2005-2009 và đỉnh điểm là 2007 là giai đoạn ngân hàng quá phụ thuộc vào hoạt động tín dụng (bây giờ cũng vậy). Việc này gây áp lực lên khu vực sản xuất do chi phí vay cao, khiến cho ngân hàng như đang “hút máu” nền kinh tế. Hơn nữa, hiện nay, lợi nhuận từ mảng cho vay không còn cao như trước, khi trần tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu giảm, các gói tín dụng lại chứa đựng nhiều rủi ro.
Để giải quyết bài toán này, từ năm 2010, các ngân hàng đã có bước chuyển trong chiến lược khi một số ngân hàng đã định vị hướng phát triển trở thành “ngân hàng bán lẻ hàng đầu”.
Ngân hàng bán lẻ có thể hiểu đơn giản là các dịch vụ ngân hàng phục vụ nhu cầu hằng ngày của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua giao dịch điện tử như Mobile Banking, Internet Banking, SMS và qua thiết bị di động. Như vậy có nghĩa là phải “ảo hóa” luồng tiền tiêu dùng nội địa khoảng 85 tỉ USD (năm 2012, theo ước tính của Nielsen), tương đương xấp xỉ 1.800.000 tỉ đồng, đang luân chuyển trên cả nước. Muốn làm được như vậy, tiêu dùng phi tiền mặt lại là một bài toán cần được đặt ra.
Nhìn ở góc độ này, việc thu phí giao dịch trên ATM có 2 mục đích cơ bản. Thứ nhất, tạm thời bù đắp khoản lỗ của ngân hàng sau một thời gian khá dài đầu tư và miễn phí cho người sử dụng. Thứ hai, khi thu phí giao dịch ATM, ngân hàng sẽ có được nguồn tiền đáng kể để cải thiện các kênh giao dịch phi tiền mặt cho khách hàng và cũng hạn chế được việc rút tiền mặt.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, người dùng hiện vẫn chưa có được các kênh giao dịch phi tiền mặt tiện lợi và an toàn, nên họ vẫn phải rút tiền để thanh toán tiền hàng hóa/dịch vụ. Vì thế, họ đã phản ứng khá tiêu cực đối với việc bị thu phí ATM.
Hiện nay, lượng người dùng E-Banking ở các ngân hàng tại Việt Nam chiếm không quá 5% tổng số người có tài khoản tại ngân hàng. Không ít ngân hàng vẫn chưa phát triển dịch vụ E-Banking hoặc nếu có thì cũng chỉ là cầm chừng. Cũng có ngân hàng, dịch vụ E-Banking của họ là do đơn vị thứ ba phát triển, hạ tầng công nghệ thông tin dùng quá nhiều chuẩn, giao thức khác nhau, khiến khó có thể triển khai một giải pháp đồng bộ. Kết quả là ngân hàng chưa thể thực hiện được mục tiêu phục vụ khách hàng bất cứ lúc nào, bất cứ đâu với dịch vụ E-Banking.
Đối với những nước có nền tài chính phát triển trong khu vực như Singapore, nhờ vào hạ tầng công nghệ thông tin tốt và mức độ đồng bộ của các ngân hàng trong việc triển khai các giải pháp thanh toán điện tử, người dân được hưởng các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt rất tiện dụng như qua máy chấp nhận thanh toán thẻ POS hay qua thiết bị di động. Nhờ đó, Chính phủ và các ngân hàng có thể kiểm soát dòng tiền tiêu dùng cá nhân trong nước, giúp lưu thông tiền tệ trở nên linh hoạt hơn.
Thanh toán phi tiền mặt cũng giúp triển khai được nhiều dịch vụ tài chính cá nhân và tạo điều kiện cho việc phát triển thương mại điện tử. Do đó, khi thanh toán phi tiền mặt, đại lý bán hàng sẽ trả phí thanh toán cho đơn vị chấp nhận thanh toán trong khi vẫn duy trì thu phí rút tiền mặt đối với chủ thẻ nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Cũng cần nói thêm, do giao dịch rút tiền mặt rất ít, chủ yếu người dân thanh toán qua điện tử nên hầu hết các ngân hàng tại Singapore đều không thu phí rút tiền mặt.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng cũng như các ngân hàng đã sớm đưa ra chiến lược về thanh toán phi tiền mặt. Điều này có thể thấy qua những tiến triển đáng kể trong hệ thống chuyển mạch tài chính dùng chung kết nối thông suốt hạ tầng công nghệ thông tin và giao dịch E-Banking của các ngân hàng (có điều người dùng ít khi nhận ra). Chẳng hạn như giao dịch ATM của một thẻ được chấp nhận tại nhiều máy ATM/POS của các ngân hàng khác nhau, chuyển khoản liên ngân hàng, dịch vụ thanh toán trực tuyến… Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng giao dịch chưa cao và phí giao dịch cũng còn cao.
Tại buổi trình bày về thương mại điện tử ở Hà Nội hồi đầu năm ngoái, anh Ngô Như Quân, phụ trách bộ phận thương mại điện tử tại Viettel Store, cho biết công ty của anh chưa ưu tiên sử dụng cổng thanh toán vì các cổng thanh toán thu phí quá cao, khoảng 1.500 đồng cộng với 1%/giá trị thanh toán cho mỗi lần giao dịch. Hơn nữa, “bán hàng trực tuyến, giao hàng và thu tiền mặt mà không có cổng thanh toán thì cũng chưa chết ngay được”, anh nói.
Trên thực tế, các ngân hàng hiểu rất rõ nguyên lý “giảm giá dịch vụ để tăng giao dịch” nhưng tiếc là họ chưa hợp tác chặt chẽ với nhau để triển khai dịch vụ đồng bộ được. Trong khi đó, không ít dịch vụ như chuyển khoản liên ngân hàng sẽ cần đến sự phối hợp của nhiều ngân hàng. Hơn nữa, vấn đề phát triển giao dịch điện tử không chỉ là chuyện giữa các ngân hàng với nhau, mà còn là mối quan hệ 4 bên: ngân hàng - khách hàng - đại lý bán hàng - công ty chuyển mạch.
Chắc chắn trong tương lai, tương tự như câu chuyện giá cước viễn thông di động, phí giao dịch thanh toán điện tử rồi sẽ giảm. Để giảm được phí giao dịch, cần thỏa mãn 3 điều kiện. Đó là lượng người dùng phải lớn; hạ tầng đồng bộ và tiết kiệm được chi phí khi dùng chung hạ tầng E-Banking; sự phát triển của các thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Ba điều kiện này đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ E-Banking.