Nón Sơn đã bắt đầu lấn sân vào các trung tâm thương mại. Ảnh: Nón Sơn

 
Minh Anh Thứ Sáu | 28/08/2020 08:37

Từ Nón Sơn đến câu chuyện của Ahanaba

Giữa năm 2018, Nón Sơn đã ra mắt thị trường sản phẩm túi xách với thương hiệu Ahanaba khiến nhiều người tò mò.

Doanh thu đến từ đâu?

Từ trước đến nay, Nón Sơn với nhiều câu chuyện đồn thổi đã khiến cho thương hiệu này trở nên bí ẩn. Nhiều nghi vấn đặt ra, sản lượng bán thấp, giá cao nhưng hầu hết các địa điểm đặt cửa hàng lại án ngữ tại nhiều vị trí đắc địa... làm sao Nón Sơn có thể trụ được tại thị trường suốt mấy chục năm nay?

Thực tế, theo các con số kinh doanh của Nón Sơn được đưa lên một số báo, Nón Sơn vốn bề thế về mặt bằng đắc địa nhưng doanh thu lại khá khiêm tốn, mỗi cửa hàng đạt doanh thu khoảng 650 triệu đồng/năm (khoảng 54 triệu đồng/tháng).

Trong năm 2018, doanh thu của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thời trang Nón Sơn đạt 123 tỉ đồng, tăng 84% so với năm trước đó. Lợi nhuận cũng tăng tương ứng nhưng mức tuyệt đối khá thấp, từ 1,5 tỉ lên 2,71 tỉ đồng. Đến năm 2019, doanh thu chỉ tăng nhẹ lên 126 tỉ đồng trong khi lãi gộp giảm 20% xuống 47 tỉ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế vẫn tương đương năm trước, đạt 2,73 tỉ đồng.

Ảnh: Nón Sơn
Ảnh: Nón Sơn.

Nón Sơn vốn là Công ty thuộc sở hữu của doanh nghiệp tư nhân. Năm 1996, Nón Sơn là thương hiệu do ông Trần Anh Sơn và bà Nguyễn Thị Thu Hà (vợ) cùng thành lập lấy tên Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thời trang Nón Sơn. Trong đó, ông Sơn sở hữu 79,09% vốn và vợ sở hữu 20,91% vốn còn lại. Qua 20 năm thành lập, đến nay Nón Sơn sở hữu 193 cửa hàng.

Tổng tài sản của Công ty vào cuối năm 2019 đạt hơn 320 tỉ đồng. Vào tháng 2.2020, vốn điều lệ của Nón Sơn được tăng từ 150 tỉ đồng lên 200 tỉ đồng. Theo thông tin được đăng tải trên một số báo, doanh thu của Nón Sơn không quá lớn như nhiều doanh nghiệp khác nhưng cũng không bị thua lỗ.

Các cửa hàng của Nón Sơn thường thưa thớt khách vì giá bán khá cao so với thị trường. Theo tìm hiểu của người viết, giá nón thường từ 300.000 đồng/cái, thậm chí có nón giá lên đến vài triệu đồng. Mặc dù nón được may tỉ mỉ, sắc nét và nhưng so với mặc bằng chung giá này khá cao so với mức tiêu dùng hiện tại.

 

Nón Sơn hiện kinh doanh theo hướng “hữu xạ tự nhiên hương” và nói không với các loại hình quảng cáo. Chính những vị trí đắc địa ngay ngã 3, ngã 4 mặt tiền đường lớn, với màu sơn hồng nổi bật chính là cách mà Nón Sơn tự quảng cáo mình.

Vài năm trở lại đây, khách hàng cũng khá quen thuộc với dòng quảng cáo “Mua 1 tặng 1” mà thương hiệu này dán kín hầu hết các mặt tiền ra vào. Với mức giá thuê từ mấy chục năm nay, Nón Sơn còn được mức ưu đãi tốt hơn so với giá thuê của thị trường.

Nguồn thu chính của Nón Sơn hiện đến từ những đơn đặt hàng số lượng lớn từ những doanh nghiệp kinh doanh. Theo nguồn tin từ một số báo, khách hàng doanh nghiệp như, Yamaha hoặc Ngân hàng Nông nghiệp... thường đặt với số lượng rất lớn và thường xuyên để tặng nhân viên, để thực hiện các chương trình khuyến mại. Ngoài ra, Công ty còn bán cho các đại lý bán lẻ, có đội ngũ bán hàng online.

Cũng phải nói thêm, Nón Sơn đã bắt nhịp theo thời đại công nghệ khi đầu tư cho mảng bán hàng online và bắt đầu đưa các cửa hàng vào trung tâm thương mại bên cạnh những vị trí mặt bằng đắc địa tại các con đường lớn.

Đam mê với sản phẩm thủ công

Năm 2016, hầu hết cửa hàng Nón Sơn đều đăng tuyển nhân sự dù cửa hàng không đông khách. Trong đó, vị trí thợ thêu được Nón Sơn tuyển nhiều, nguyên nhân chính là do bà chủ nung nấu một cuộc khởi nghiệp ở tuổi ngoại tứ tuần.

Sau thành công Nón Sơn, bà Hà quay lại với niềm đam mê của mình làm túi xách thủ công với thương hiệu Ahanaba. Chia sẻ trên báo chí tại thời điểm ra mắt thương hiệu Ahanaba, bà Hà cho biết khi sang nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, nhìn thấy nhiều món hàng thời trang thủ công, bà nghĩ mình cũng có khả năng làm được.

Ảnh:
Bà Hà và các thợ thêu trao đổi về mẫu mã sản phẩm. Ảnh: VnExpress.

Xưởng có, công nhân cũng thạo việc nên ban đầu bà dự định thực hiện các trang phục đi biển và làm thêm dép, túi bán kèm cho đủ bộ. “Tôi hơi lo vì công việc đã quá nhiều rồi nhưng chồng ủng hộ là hãy làm đi, nhờ đó tôi mới mạnh dạn thực hiện”.

Để ra mắt sản phẩm được vừa ý nhất, bà Hà mất 3 năm để vừa đào tạo, vừa cân đối thời gian và hoàn thiện sản phẩm. Bà Hà và cộng sự phải tự mày mò mọi thứ vì trên thị trường không có mẫu làm theo.

Để tạo hình khối cho chiếc túi không hề đơn giản vì sản phẩm là liền mảnh, không có đường ráp nối, một sợi thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối, duy chỉ có dây kéo là dùng máy may ráp vào. Mọi người cứ vừa làm vừa chỉnh sửa, hễ sai là bung ra làm lại. Kể cả những người có thâm niên cũng lúng túng với sản phẩm mới. Chỉ cần sai một chi tiết có khi phải tháo ra làm lại hết.

Công sức người thợ làm ra sản phẩm rất mất thời gian, khi mở ra thực hiện lại là cả một chặng đường dài. Tuy nhiên, bà Hà vẫn kiên định và chấp nhận chứ không tiếc vì với chị, sản phẩm khi xuất ra phải đạt chất lượng tốt nhất. “Chúng tôi thực hiện dựa trên 3 tiêu chí là hợp thời trang, tiện dụng khi sử dụng và độ bền cao. Khi 1 trong 3 tiêu chí không đạt thì không thể xuất được. Cốt lõi sản phẩm mới là thứ vào lòng người tiêu dùng”, bà Hà lý giải với báo chí.

Ảnh:
Xưởng may của Nón Sơn và Ahanaba. Ảnh: VnExpress.

Theo thông tin từ website chính thức của Ahanaba, thương hiệu đã có một cửa hàng tại TP.HCM. Các dòng sản phẩm được chia thành 2 loại là túi móc và túi đan, với giá trung bình thường rơi vào khoảng vài triệu đồng, cá biệt một số mẫu đan tay có giá trên 20 triệu đồng.

Bà Hà từng lý giải các sản phẩm có giá từ vài triệu cho đến trên dưới 20 triệu đồng vì là hàng thủ công, đòi hỏi các công đoạn tỉ mỉ và trau chuốt, công sức của nghệ nhân là không thể đong đếm. Tuy nhiên, để thị trường thật sự hiểu hết giá trị và đón nhận sản phẩm, thương hiệu cần một chặng đường dài phía trước chứ không chỉ là ngày một ngày hai.

Cuối năm 2018, bà có nhận được vài lời đề nghị ngỏ ý trở thành đối tác của Ahanaba tại nước ngoài nhưng bà cho biết vẫn ưu tiên phát triển trước nhất ở Việt Nam. Bà Hà từng là tiếp viên trưởng của một hãng hàng không nổi tiếng trước khi quyết định cùng chồng dành tất cả thời gian cho Nón Sơn.

Với tình yêu dành cho Ahanaba, bà Hà cho biết: “Hàng thủ công không có sự bóng bẩy, chúng chỉ mộc mạc và đơn giản. Nhưng những ai thích sẽ cảm nhận được cảm xúc và chiều sâu trong từng sản phẩm. Đó là nét đẹp, cá tính của đồ thủ công”.

► Bún, bánh tráng Việt đắt hàng trên Amazon