Ngọc Thủy Thứ Ba | 12/12/2017 08:30

Tư nhân làm sân bay

Nếu không có gì thay đổi, khoảng giữa năm 2018, sân bay quốc tế Vân Đồn, sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, sẽ chính thức đi vào vận hành.

 Sun Group, chủ đầu tư sân bay Vân Đồn, đang gấp rút triển khai các công đoạn còn lại của dự án để có thể kịp thời đưa sân bay này đi vào hoạt động đúng như kế hoạch.

Cuộc chơi của Sun Group

Trên thực tế, tiến độ vận hành dự kiến của sân bay Vân Đồn đã có sự chậm trễ so với phương án ban đầu. Theo kế hoạch cũ, quý I/2018 là thời hạn để sân bay Vân Đồn chính thức mở cửa.

Tuy nhiên, vì một số điều chỉnh, như điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Quảng Ninh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, mở thêm độ dài đường băng từ 3.000m lên 3.600m, thiết kế bổ sung 2 sân bay ở 2 đầu đường cất hạ cánh, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu cũng như tăng thêm diện tích mặt sàn khu vực nhà ga hành khách lên hơn 25.000m2 mà thời điểm khánh thành sân bay Vân Đồn dự tính sẽ lùi thêm vài tháng.

Dù vậy, nếu so sánh với cột mốc khởi công sân bay Vân Đồn (cuối tháng 3.2016), Sun Group chỉ mất khoảng 2 năm cho đầu  tư một sân bay quốc tế.

Tu nhan lam san bay
 

Sân bay Vân Đồn sau điều chỉnh có khả năng đón các tàu bay loại lớn như B777, B747, A350. Khả năng này, chỉ những sân bay quốc tế lớn như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài, Cần Thơ mới đáp ứng được. Joinus Việt Nam, Posco E&C, Tập đoàn CCC (Canada), Tổng Công ty Cảng hàng không Hàn Quốc (KAC) từng quan tâm đến dự án sân bay Vân Đồn nhưng đến phút cuối, chỉ còn lại Sun Group theo đuổi.

Sau khi chính thức trở thành nhà đầu tư sân bay Vân Đồn dưới hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), Sun Group đã tạo ra một số tác động nhất định. Chẳng hạn, Sun Group đã đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái từ phía

Tây Bắc sang phía Đông Nam, đoạn sát với dự án cảng hàng không. Thay đổi tiếp theo, Vân Đồn đã được chấp thuận trở thành sân bay quốc tế.

Sân bay Vân Đồn mở ra chủ yếu là để đón hành khách phía Nam và các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc... Hiện tại, khu vực Đông Bắc Á chiếm 60% tổng du khách quốc tế đến Quảng Ninh. Ngoài ra, các tuyến bay đến/đi từ Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia... đều muốn đặt đường bay tại đây, do Vân Đồn đã được quy hoạch thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Có gì khác biệt?

So với 21 sân bay trước đó ở Việt Nam do Nhà nước đầu tư, Vân Đồn là một trường hợp đặc biệt. Sun Group không chỉ là chủ đầu tư ở sân bay Vân Đồn mà còn là đơn vị vận hành, khai thác sân bay này, thay vì thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý.

Tuy nhiên, vì hàng không là lĩnh vực đặc thù nên phía cơ quan nhà nước không buông tay hoàn toàn. Hoạt động điều hành bay, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại sân bay Vân Đồn vẫn do Nhà nước quản lý, theo các điều khoản quy định trong hợp đồng BOTvà các phương án tài chính của dự án đã được phê duyệt. Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam còn trình Bộ Giao thông Vận tải đề án thành lập đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc gồm 38 người cho mục đích quản lý, kiểm soát hoạt động ở sân bay Vân Đồn.

Có thể thấy, Sun Group sẽ chịu những quản lý nhất định trong hoạt động ở sân bay Vân Đồn. Mảng Sun Group có thể khai thác là dịch vụ hàng không  như dịch vụ hành khách, soi chiếu an ninh, dịch vụ mặt đất (check-in, hành lý, cầu ra máy bay...), sân đỗ máy bay, hạ cất cánh, hỗ trợ kỹ thuật cũng như các dịch vụ phi hàng không như kinh doanh cửa hàng, nhà hàng, bãi đậu xe, quảng cáo, dịch vụ cho thuê ô tô. Dịch vụ hàng không rõ ràng là nguồn thu tiềm năng.

Bằng chứng là tại Việt Nam, có đến 80% nguồn thu của ACV đến từ dịch vụ hàng không. Với tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam ước đạt 7,3%/năm trong giai đoạn 2015-2030, cao hơn khu vực và thế giới, theo IATA, Sun Group cũng như ACV có thể kỳ vọng vào những cơ hội phát triển mới.

Nhưng hạn chế cho Sun Group là đơn vị chưa từng có kinh nghiệm trong vận hành cảng hàng không. Lo ngại nhất là vấn đề quản lý an ninh hàng không, có liên quan đến an ninh quốc gia. Nhiều khả năng, ở giai đoạn đầu, Sun Group sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của ACV trong đào tạo, huấn luyện lực lượng kiểm soát an ninh hàng không.

Sun Group dự tính sẽ mất khoảng 45 năm mới thu hồi vốn, lâu nhất cho một dự án BOT hạ tầng, tính từ trước đến nay. Nhưng Sun Group có lý do để chấp nhận. Tại Quảng Ninh, ngoài đầu tư sân bay Vân Đồn, Sun Group đã và sẽ tiếp tục đầu tư một loạt dự án như Sun World Halong Complex, Sun Premier Village Halong Bay, Khu phức hợp nghỉ dưỡng ở Vân Đồn…

Tu nhan lam san bay
Kế hoạch hoạt động của sân bay Vân Đồn.

Tính ra, hoạt động của Sun Group tại Quảng Ninh sẽ bao gồm nhiều mảng từ bất động sản, khu vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và cả casino. Sở hữu sân bay Vân Đồn trong quy hoạch Vân Đồn sẽ trở thành đặc khu kinh tế rõ ràng sẽ mang lại nhiều ích lợi lâu dài và giúp Sun Group thuận lợi hơn trong thúc đẩy kinh doanh.

Phải thế chăng mà cùng với đầu tư sân bay Vân Đồn, Sun Group còn theo đuổi dự án sân bay Lào Cai? Đây cũng là một tín hiệu nữa cho thấy Việt Nam ngày càng cởi mở trong việc thu hút tư nhân tham gia lĩnh vực hàng không. Thực tế, ngoài việc cho phép Sun Group làm sân bay Vân Đồn và Lào Cai, Nhà nước cũng đã thí điểm thoái vốn 100% khỏi Cảng hàng không Phú Quốc, thoái vốn một phần khỏi Cảng hàng không Đà Nẵng và sắp tới có thể là sân bay Cam Ranh. Hay gần đây hơn, VietJet Air đã mua quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài.

Chuyển biến này một phần xuất phát từ một thực tế là nguồn lực tài chính, đến từ vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đang ngày càng eo hẹp. Vì thế, trong định hướng mới của Nhà nước, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước sẽ siết lại, chỉ dành đầu tư vào những công trình quan trọng, liên quan đến lợi ích công cộng, quốc gia. Cả những lĩnh vực, dự án mà tư nhân có thể tham gia, Nhà nước sẽ không sử dụng vốn ODA.

Nhìn ra thế giới, từ những năm 1980, làn sóng tư nhân hóa sân bay đã quét qua châu Mỹ, châu Âu. Ở châu Á, làn sóng này đến muộn hơn. Nhưng Trung Quốc đã bắt kịp xu hướng bằng việc tư nhân hóa sân bay quốc tế Bắc Kinh. Thái Lan cũng giao việc đầu tư sân bay Koh Samui, Sukhothai, Trad cho Hãng hàng không Bangkok Airways. Campuchia thì nhượng quyền khai thác 3 sân bay lớn nhất tại Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville cho Tập đoàn ADP-M (Pháp). Riêng sân bay Indonesia là do Hãng hàng không Air Asia khai thác.

Cameron Gordon, giảng viên  cấp cao Đại học Canberra (Úc), từng đánh giá, việc tư nhân hóa các sân bay đã đem lại nhiều lợi ích cho các bên gồm Nhà nước, tư nhân và hành khách sử dụng dịch vụ. Trong đó, đối với tư nhân, đầu tư vào sân bay khá an toàn, mang lại dòng tiền đều đặn và có thể thu lãi lớn nếu hoạt động tốt.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp như sân bay Cardiff ở xứ Wales, sau khi tư nhân hóa nhưng lại ì ạch và phải bán lại cho chính quyền. Đối với sân bay quốc tế Doha (Quatar) và một số sân bay khác ở châu Mỹ Latinh, chủ đầu tư được tự đặt phí nên đã đẩy phí lên mức khá đắt đỏ.