Đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam còn thấp so với khu vực. Ảnh: TL.
Tư nhân dốc ngàn tỉ cho giáo dục
Ông Christophe Lemiere, quản lý Chương trình Phát triển con người của văn phòng World Bank tại Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam phân bổ 5% GDP cả nước cho giáo dục, riêng bậc đại học được đầu tư 0,33% (chiếm 6,1% tổng mức đầu tư của Chính phủ cho giáo dục). Mức đầu tư này rất thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Từ hạn chế này, ông Christophe Lemiere đề xuất Việt Nam tăng mức đầu tư cho giáo dục từ 0,33% lên 0,8% trước năm 2030. Hướng tới đa dạng thể chế, chuyển dịch từ trường đại học công lập đầu tư tốn kém sang các trường dân lập, cao đẳng có chí phí đầu tư hiệu quả hơn.
Hầu hết các nhà đầu tư đều nhìn thấy một thị trường hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trên 60% ở độ tuổi dưới 35 và dân số ở độ tuổi đi học nhiều, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục và phổ cập giáo dục đến người dân. Có thể chia thị trường giáo dục hiện nay thành 3 nhóm: nhóm K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12), Anh văn (ngoại ngữ), còn lại là nhóm chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng, dạy online. Trong đó, hấp dẫn nhất là nhóm K-12. Tại các trường tư, học phí trung bình cho mỗi học sinh từ 4.000-5.000 USD/năm đến 25.000/năm, thậm chí có trường lên đến 35.000 USD/năm.
Nhu cầu về giáo dục chất lượng cao ngày càng tăng, hệ thống trường công không đáp ứng được nhu cầu đào tạo, mặt bằng học phí tại các trường tư rất cao... là những yếu tố hấp dẫn để nhà đầu tư tư nhân nhảy vào cuộc chơi.
Ảnh: baodautu.vn |
Tham gia thị trường giáo dục từ sớm, hiện tại Công ty Giáo dục FPT (công ty con phụ trách mảng giáo dục của FPT) với vốn điều lệ 600 tỉ đồng đang sở hữu 2 trường tiểu học và trung học cơ sở, 2 trường trung học phổ thông và 13 trường đại học - cao đẳng - học viện - trường nghề. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, cho biết, trong năm 2019, FPT đã đầu tư 500 tỉ đồng cho mảng giáo dục, chủ yếu là đầu tư xây dựng tại TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng. Năm 2020, Tập đoàn đã tiếp tục chi từ 500-700 tỉ đồng cho mảng kinh doanh chiến lược này.
Được thành lập từ năm 2008, đến nay Công ty Cổ phần Giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu) đã xây dựng một hệ thống giáo dục khá đồ sộ gồm 10 trường mầm non mang thương hiệu Abi, 8 trường trung học và 2 trường đại học, cao đẳng. Đáng chú ý, TTC Edu nhận đầu tư từ Quỹ Navis Capital Partners (Malaysia), đang quản lý danh mục 5 tỉ USD tập trung tại châu Á. Con số đầu tư không được tiết lộ cụ thể. Nhưng đối với mỗi khoản đầu tư, quỹ này luôn tìm cách rót vốn từ 15-150 triệu USD nhằm mua lại phần lớn cổ phần, nắm quyền kiểm soát.
Năm 2013, Vingroup cũng thành lập Vinschool và tiếp theo là Vinacademy. Đến cuối năm 2020, với khoảng 1.800 tỉ đồng được chi cho giáo dục, hệ thống Vinschool sở hữu hơn 31 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học trên cả nước và trường đại học đầu tiên VinUni vừa được khai trương hồi đầu năm nay.
Tỉ suất lợi nhuận lớn, tăng trưởng ổn định, rủi ro thấp hơn so với đầu tư vào các lĩnh vực khác là những lý do các năm gần đây, đầu tư giáo dục luôn diễn ra, với các thương vụ M&A có quy mô ngày càng lớn. Đáng chú ý nhất trong xu hướng này là Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Liên tiếp mua lại một số trường đại học lớn như Hồng Bàng, Hoa Sen, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đang cho thấy tham vọng gia tăng sự hiện diện trong lĩnh vực giáo dục với một loạt dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng.
Sở hữu hơn 60 cơ sở giáo dục trên cả nước trong đó có 4 trường đại học lớn là Hoa Sen, Hồng Bàng, Gia Định và Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Nguyễn Hoàng vẫn tiếp tục dấn sâu vào giáo dục. Một trong những dự án tham vọng nhất của Nguyễn Hoàng là EIC Hải Phòng. Với tổng mức đầu tư 13.000 tỉ đồng, quy mô 69,5 ha tại Khu Đô thị Bắc Sông Cấm, huyện Thủy Nguyên, dự án này dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2021. Mới đây, Đại học Hoa Sen có được chứng nhận đạt chuẩn 4 sao quốc tế QS Stars. Đây cũng là trường đại học Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn 4 sao ngay lần đầu tiên nộp hồ sơ đánh giá chất lượng để đạt chứng nhận này. Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, cho biết: “Thời gian tới, Đại học Hoa Sen đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trường đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn 5 sao của QS Stars”.
Xu hướng đầu tư vào giáo dục đại học sẽ tiếp tục trong những năm tới vì đại học ngoài công lập hiện chỉ đào tạo chưa tới 15% sinh viên, trong khi theo mục tiêu của Chính phủ là 30%. Tại Nhật, Hàn Quốc, giáo dục, đào tạo tư lên đến 70%. Theo đại diện World Bank, giáo dục đại học ở Việt Nam có thể đưa ra các hướng tiếp cận tài trợ tài chính và chia sẻ chi phí tương tự một số quốc gia. Chẳng hạn, Nam Phi, Chile chuyển dịch từ hỗ trợ cơ sở sang theo đầu sinh viên. Hay như các nước đang phát triển và phát triển theo hướng hợp tác công tư cho các dự án đầu tư vốn. Nhiều quốc gia lại đi theo hướng đa dạng thu nhập từ giáo dục thường xuyên, các dịch vụ phụ trợ và đóng góp của cựu sinh viên.
Để thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực giáo dục, đại diện VinaCapital cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là vị trí mặt bằng của trường đắc địa, rộng rãi để vừa có cơ hội tăng quy mô, vừa có chỗ cho học sinh vui đùa, sau đó mới nói đến cạnh tranh ra sao. Khi có lợi nhuận, quy mô đủ lớn, những suất đầu tư 30-50 triệu USD không còn là những thương vụ hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nữa, thay vào đó là các thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD.