Từ Hy Lạp nghĩ về nợ công Việt Nam
Cuối cùng, đại đa số người Hy Lạp đã nói “không” với các chủ nợ nước ngoài thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5.7.2015. Nước này đã không còn tin vào những cam kết hỗ trợ tài chính nhưng đi kèm với các biện pháp tiết giảm chi tiêu khắc nghiệt mà Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp đặt trong suốt 5 năm qua.
Với việc nói “không” này và trong trường hợp không có những thỏa hiệp mới, nhiều khả năng Hy Lạp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Và điều đó có thể kích hoạt một chuỗi phản ứng tương tự từ các quốc gia khác có cùng cảnh ngộ như Bồ Đào Nha. Điều tệ hại hơn là “quả bom” này sẽ lan tỏa đến các thị trường tài chính thế giới, khiến lãi suất cho vay dành cho các quốc gia đang phát triển sẽ tăng lên, tiến trình phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia có nguy cơ trật đường ray.
Rõ ràng, việc sụp đổ của Hy Lạp tiếp tục mang đến cho thế giới một thông điệp mạnh mẽ: khu vực tài chính công chính là một trong những mắt xích dễ đổ vỡ nhất của hệ thống tài chính quốc tế trong thế kỷ XXI. Với quy mô nợ ngày một lớn dần, dường như không một quốc gia nào, kể cả các nước phát triển hay đang phát triển, có thể yên tâm cho rằng mình sẽ miễn nhiễm với một cuộc khủng hoảng tương tự như Hy Lạp trong tương lai gần.
Vậy Việt Nam thì sao? Tuy những dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng tương tự như Hy Lạp vẫn chưa rõ nét, nhưng rủi ro là có. Báo cáo mới đây của IMF đã cảnh báo Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề nợ công, nhất là nợ nước ngoài đang ở mức cao.
Báo cáo của Chính phủ trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua cũng cho thấy tỉ lệ nợ công đang tăng cao hơn tốc độ tăng GDP và hiện đã lên đến 62% GDP, gần đụng trần giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP. Nếu cứ để tốc độ tăng nhanh kéo dài thì chỉ vài năm nữa, nguồn thu hằng năm của Chính phủ có thể sẽ không đủ để chi trả các khoản nợ đến hạn.
Lẽ dĩ nhiên, trong tương quan so sánh với Hy Lạp, Việt Nam cũng có nhiều điểm khác biệt. Việt Nam có cấu trúc kinh tế khá năng động khi có nhiều sản phẩm xuất khẩu có khả năng cạnh tranh và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tốc độ tăng trưởng thời gian gần đây khả quan hơn cũng mang lại niềm tin nhất định cho các chủ nợ. Việc Việt Nam sở hữu một lượng đáng kể nguồn tài nguyên như dầu mỏ, khoáng sản cũng giúp xoa dịu nhiều nỗi lo toan.
Nhưng không phải quốc gia có nhiều tài nguyên là có thể miễn nhiễm với vỡ nợ, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu mỏ và các loại hàng hóa khác đang trong chu kỳ đi xuống. Chẳng hạn, Argentina, quốc gia được xem là giàu về tài nguyên thiên nhiên, cũng từng lâm vào cảnh phá sản dù trong tay nắm khá nhiều tài sản có giá trị.
So sánh với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đang có tỉ lệ nợ công trên GDP thuộc diện cao nhất. Ví dụ như Indonesia chỉ khoảng 23%, Thái Lan 44%, Philippines 40% hay Malaysia 53%. Đó chính là điểm yếu lớn của Việt Nam trong các bảng xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng như phần nào hạn chế tính hấp dẫn của thị trường tài chính trong nước trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Một số nhận định cho rằng với ngưỡng 65% GDP, quy mô nợ của Việt Nam sẽ tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác như Hy Lạp (177%). Nhưng quan điểm này đã bị bác bỏ khi lịch sử đã chứng minh, một số quốc gia có tỉ lệ nợ thấp hơn như Argentina với tỉ lệ nợ 54% vẫn bị phá sản vào năm 2001. Nghệ thuật quản lý nợ không chỉ nằm ở quy mô mà còn ở vấn đề đảm bảo dòng tiền chi trả hằng năm.
Viễn cảnh trong thời gian tới xem ra đang đặt nhiều thách thức cho bảng cân đối tài sản của Chính phủ. Năm ngoái, Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu để đảo các khoản nợ cũ có lãi suất cao. Nhưng điều này sẽ khó lặp lại trong năm nay khi lãi suất đang tăng trở lại.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lượng phát hành trái phiếu chính phủ trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1/3 kế hoạch năm và giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước vì các nhà đầu tư đang đòi hỏi mức lãi suất hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, một nguồn thu quan trọng của Chính phủ là từ dầu thô đang gặp khó. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng trưởng chỉ ở mức một con số, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm trước. Điều này khiến cho tổng thu ngân sách nhà nước nửa đầu năm chỉ tăng 7,8%, giảm hơn nửa so với mức tăng của cùng kỳ năm 2014.
Bên cạnh đó, với nhiều công trình hạ tầng trị giá hàng tỉ USD đang chuẩn bị được triển khai như sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc, tàu điện ngầm, không biết Chính phủ sẽ tìm đâu ra một nguồn tài chính phù hợp để cân đối?
Cũng có ý kiến cho rằng hầu hết các khoản vay nước ngoài của Chính phủ đều là những khoản vay ưu đãi có lãi suất thấp, đặc biệt là vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA). Nhưng với thu nhập đã tăng lên mức trung bình, dự kiến từ năm 2017, Việt Nam sẽ bắt đầu phải tiếp nhận các khoản vay kém ưu đãi hơn.
Một vấn đề lớn khác nhưng ít được quan tâm là gánh nặng chi phí an sinh xã hội - một nguyên nhân quan trọng đã đẩy Hy Lạp đến tình cảnh khủng hoảng hiện nay - đang có dấu hiệu lớn dần. Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, tức tỉ lệ dân số ở độ tuổi lao động đang chiếm ưu thế tuyệt đối nhờ vào thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh sau năm 1975. Nhưng chỉ sau khoảng 15-20 năm nữa thôi, tầng lớp lao động trẻ này sẽ đến tuổi nghỉ hưu và cần được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và y tế. Với hệ thống bảo hiểm xã hội yếu kém như hiện nay, rủi ro mất cân đối thu chi đang ngày một lớn dần.
Điều này đã được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo. Theo đó, đến năm 2021, quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Tuy nhiên, đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng vỡ quỹ và khi đó, người lao động có nguy cơ sẽ không nhận được lương hưu. Với nhiều rủi ro như thế, cải cách hệ thống tài chính khu vực công là việc cần làm ngay để tránh nguy cơ cho nền kinh tế.
Sơn Nguyễn