Thứ Hai | 24/08/2015 12:00

Tự do thương mại: "Tặng kèm" rào cản kỹ thuật

Trước hàng loạt các tiêu chuẩn phức tạp từ các rào cản kỹ thuật mới dựng lên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không đáp ứng nổi.

Việt Nam luôn nhắc đến những cơ hội từ ký kết các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương với ưu đãi thuế quan về 0%. Nhưng ít doanh nghiệp để ý rằng đi cùng gỡ bỏ hàng rào thuế quan, các quốc gia thường đồng thời lập thêm những điều kiện, hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ.

Về nguyên tắc, các rào cản kỹ thuật được đặt ra nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe của người tiêu dùng, môi trường, an ninh, an sinh xã hội. Nhưng rào cản kỹ thuật còn được dựng lên nhằm cản trở hàng nhập khẩu, bảo hộ cho sản xuất nội địa. Vì thế, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, về xuất xứ, nhãn mác bao bì, môi trường... xuất hiện ngày càng nhiều và khắt khe hơn. Một số quy định thậm chí còn chi tiết đến vô lý.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng dẫn chứng về trường hợp bao bì bánh đậu xanh xuất sang một số thị trường bị yêu cầu phải có đến 5 lớp bao bì bảo quản. Hay một số nước yêu cầu chất kháng sinh trong tôm nhập khẩu phải cực kỳ thấp, một tỉ lệ mà như ông Doanh chia sẻ, chỉ gây bệnh nếu mỗi người ăn 1 kg tôm trong suốt 30 ngày. Không ai có thể ăn tôm trong thời gian dài như thế, nhưng họ vẫn dựng lên.

Đối với trái cây, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ Thực vật), nêu ví dụ trái thanh long Việt Nam nhập vào Mỹ trong năm 2010 mới được 800 tấn. Từ năm 2011, nhận thấy thanh long Việt Nam vào Mỹ đã tăng mạnh, Mỹ ban thêm luật mới về kiểm tra an toàn thực phẩm bên cạnh quy định về kiểm tra an toàn dịch bệnh. Cơ quan nhập khẩu của Mỹ cũng nâng tần suất kiểm tra, lấy mẫu thanh long Việt Nam lên 100%. Khi không phát hiện gì, Mỹ mới “thả” hàng. Đáng nói ở thời điểm ấy, Mỹ vẫn chưa công bố về chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên công ty nào có trái cây xuất đi Mỹ cũng đều hồi hộp, lo lắng.

Thực tế, để vào được Mỹ, trái cây Việt Nam phải trải qua nhiều quy định như yêu cầu vùng trồng phải đăng ký, mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ xác định sản phẩm phù hợp quy định, trái cây phải được chiếu xạ để loại bỏ vi khuẩn dịch hại, quy trình đóng gói phải liên hoàn tuyệt đối và phải trong dây chuyền lạnh. Tất cả các lô hàng vào Mỹ phải có mã vạch xuất xứ. 

Thân phận con tôm, con cá Việt Nam trên thị trường Mỹ còn long đong lận đận hơn, dù đây là 2 mặt hàng chủ lực chiếm 60-70% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Sau khi Việt Nam ký kết hiệp định thương mại song phương với Mỹ (năm 2001), thuế nhập khẩu thủy sản của Việt Nam vào Mỹ giảm xuống 0%. Lượng cá tra, cá basa của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh mẽ, từ chiếm 5,2% thị phần năm 1996 tăng vọt lên 95,9% năm 2012. Nhưng tốc độ tăng trưởng của cá tra đã bị khựng lại khi vấp phải các rào cản kỹ thuật khắt khe cùng việc bị áp thuế chống bán phá giá từ Mỹ. Ví dụ, Mỹ chỉ cho phép 6 loại kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản. Họ còn chỉ rõ các loại  kháng sinh đó phải do công ty dược nào cung cấp, cũng như quy định cụ thể đối tượng, điều kiện và cách thức sử dụng từng  loại...

Tu do thuong mai:
Số lô hàng tôm và cá da trơn của Việt Nam bị trả lại tại thị trường Mỹ

Đối với mặt hàng dệt may, ngoài các yêu cầu về kỹ thuật như tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (ISO-9000), tiêu chuẩn chống cháy, tiêu chuẩn môi trường, Mỹ còn buộc các công ty phải đạt hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm sản xuất (WRAP) và trách nhiệm xã hội (SA-8000). Cả 2 tiêu chuẩn này đều có những quy định về minh bạch tài chính, đối đãi với người lao động.

Với hàng loạt các tiêu chuẩn phức tạp, đòi hỏi phải đầu tư tốn kém mới có thể áp dụng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không đáp ứng nổi. Không ít lô hàng từ Việt Nam qua Mỹ đã bị “rụng” ngay tại cửa cảng. Theo số liệu từ Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách các nước bị Mỹ từ chối nhập khẩu nhiều nhất. Chỉ tính trong vòng một năm rưỡi trở lại, FDA đã từ chối 510 lô hàng của Việt Nam.

Tại các thị trường xuất khẩu khác như châu Âu, Nhật, Úc, rào cản kỹ thuật cũng được dựng lên khốc liệt không kém. Đơn cử, để được hưởng thuế 0% theo các hiệp định thương mại của Việt Nam và ASEAN với Nhật, các doanh nghiệp Việt cần đáp ứng yêu cầu hàng hóa phải được sản xuất, gia công tại Việt Nam và nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu phải từ Việt Nam, Nhật, ASEAN (trừ Indonesia, Philippines, Campuchia).

Chỉ tính riêng mặt hàng thủy sản, gộp chung trên cả 4 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật, Úc, tổng giá trị trung  bình  tổn thất hằng năm của Việt Nam do bị từ chối nhập khẩu lên tới 14  triệu USD.

Rào cản kỹ thuật, nhất là việc Mỹ áp thuế cao chống bán phá giá lên một số mặt hàng bị kiện như cá tra, basa, tôm, ống thép, đinh thép... đã khiến nhiều doanh nghiệp bị suy giảm thị trường, phải chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường dễ tính hơn như Trung Quốc, ASEAN, Brazil, Colombia...

Đó là giải pháp bất đắc dĩ. Còn thông thường, doanh nghiệp sẽ tìm cách nắm bắt thông tin về các rào cản thương mại, tập làm quen dần và học cách “sống chung”. Bởi dù muốn hay không thì các trở ngại này vẫn xảy đến. Nói như ông Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, trước các áp lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật đã không còn là để thỏa mãn điều kiện xuất khẩu, mà là việc mà doanh nghiệp phải làm để tồn tại và phát triển.

Thúy Ngọc