Ảnh: Quý Hoà
Tủ bếp Việt quyết giành thị phần tại Mỹ
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt gần 9 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu tủ bếp sang Mỹ vẫn là phân khúc nóng nhất với mức tăng trưởng gần 100%. Nhiều doanh nghiệp Việt đang đầu tư để mở rộng sản xuất mặt hàng này, nhưng cuộc chiến giành thị phần tủ bếp ở Mỹ cũng ngày càng khốc liệt.
Dấu hiệu gian lận thương mại lộ rõ
Trong hội thảo ngành gỗ tuần qua, một doanh nhân chia sẻ câu chuyện về Trung Quốc, nơi có 60 doanh nghiệp làm sản phẩm tủ bếp và giá trị xuất khẩu đạt 6 tỉ USD một năm: Khi cuộc thương chiến với Mỹ nổ ra, các doanh nghiệp này phân tán nửa số doanh nghiệp tới Malaysia, Thái Lan, Indonesia và 25 doanh nghiệp tới Việt Nam. Trong số này, có 15 doanh nghiệp rất lớn đầu tư sản xuất ở khu Tân Bình, TP.HCM và đó là sự cạnh tranh lớn với doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu FDI người Trung Quốc đang sản xuất tại Việt Nam có đầu ra và có kênh thông tin tiếp cận trực tiếp, do các công ty nhập khẩu mặt hàng này là người Trung Quốc tại Mỹ, họ có cửa hàng và đặt hàng trực tiếp từ các doanh nghiệp FDI Trung Quốc, Đài Loan ở Việt Nam. Chiếm 2/3 người mua mặt hàng này là người Trung Quốc có quốc tịch Mỹ, họ mua hàng theo kênh này, nên phát triển rất tốt.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vì chưa tiếp cận được kênh trực tiếp nên gặp nhiều bất lợi hơn so với đối thủ. Mặt khác, các doanh nghiệp Trung Quốc đã kết nối nhà nhập khẩu tại Mỹ đẩy giá xuống thấp ít nhất là 16%, toàn bộ khách hàng Mỹ qua Việt Nam đều được kết nối bởi người Trung Quốc và họ cũng mang thành phẩm qua Việt Nam lắp ráp để hưởng mức thuế thấp khi xuất khẩu sang Mỹ. Do vậy, giá bán ra của doanh nghiệp gốc Trung sẽ hưởng lợi hơn so với doanh nghiệp Việt Nam.
Số liệu xuất khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng từ 43% năm 2018 (trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước) lên 50% năm 2019 và 53% trong 8 tháng năm 2020.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đồng hành với rủi ro về gian lận thương mại. Chính phủ Mỹ đang điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ. Bên cạnh gỗ dán, còn có 2 mặt hàng đang có tín hiệu rủi ro, đó là tủ bếp/tủ nhà tắm làm từ gỗ dán và ghế sofa có khung làm từ gỗ dán. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam sang Mỹ tăng trên 80%, kim ngạch xuất khẩu khung ghế sofa có khung làm từ gỗ dán sang Mỹ tăng trên 40%.
Thông tin từ hiệp hội các địa phương cũng cho biết một số doanh nghiệp Trung Quốc đang thuê pháp nhân của Việt Nam nhập khẩu những sản phẩm đã hoàn thiện để xuất sang Mỹ. Đây là dấu hiệu về gian lận thương mại tương đối rõ ràng.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định: “Trong bối cảnh hiện tại, kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại là vấn đề sống còn với ngành gỗ. Việc thành lập Chi hội Tủ bếp có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp chân chính của Trung Quốc là cầu nối và kênh thông tin quan trọng cho việc vạch trần những doanh nghiệp núp bóng, trốn xuất xứ như đang diễn ra".
Hấp dẫn từ con số 10 tỉ USD
Về phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý, hiệp hội, cho tới các doanh nghiệp để tập trung phát triển dòng sản phẩm đang lên ngôi này, tránh việc kiện chống bán phá giá nếu phát triển quá nóng.
Hiện tại, giá sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam bán ra thấp hơn 1,8 lần so với các doanh nghiệp FDI từ Đài Loan, Trung Quốc ở Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ, vì các đối tác nhập hàng ở Mỹ đã thỏa thuận đưa ra giá thấp đối với mặt hàng này cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu doanh nghiệp trong nước sản xuất với giá thành mà đối tác Mỹ nhập từ doanh nghiệp Đài Loan hay Trung Quốc thì có lợi nhuận cao hơn. Được biết, hiện doanh nghiệp FDI của Trung Quốc, Đài Loan được hỗ trợ mức giá 24%. Đồng thời, việc sử dụng gỗ cao su sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao về chất lượng, tránh đua về giá để tận dụng hết dư địa từ thị phần mới này.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết, giá trị xuất khẩu mặt hàng tủ bếp/nhà tắm ở Bình Định trong 7 tháng vừa qua đạt trên 100 triệu USD. Để nắm bắt cơ hội, các nhà cung cấp phải có sự liên kết chặt chẽ để cùng làm, cùng phát triển. Song song đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được rõ hơn phương pháp sản xuất của ngành công nghiệp gỗ tại Mỹ.
Hiện tại, thị trường Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ thiết kế, sản xuất, giao hàng và thời gian tối ưu là 2 tuần. Đại diện CNC - một doanh nghiệp Mỹ chuyên lắp ráp tủ có sẵn sở hữu cơ sở rộng lớn ngay bên ngoài Thành phố New York, cho biết: “Điều quan trọng chúng tôi là phải có một nguồn cung cấp sẵn sàng với kích cỡ, kiểu dáng phù hợp và nếu khách hàng gọi đặt hàng vào buổi sáng hôm nay thì tối mai chúng tôi sẽ giao hàng”.
Khi khách hàng gọi, CNC có thể giao ngay lập tức thùng có chứa tất cả các bộ phận cần thiết của một chiếc tủ hoặc đội ngũ 50 thợ thủ công của Công ty sẵn sàng lắp ráp khi được giao nhiệm vụ. Hiện CNC đang tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, Malaysia và Indonesia thay cho Trung Quốc.
Ảnh: Quý Hoà |
Tốc độ phát triển và cung cấp ra thị trường Mỹ được tối ưu hóa về thời gian nên tạo ra sức cạnh tranh rất lớn, nhưng cũng mở ra các thị trường ngách cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nhiều hơn. Và xu thế này được dự báo cũng là xu thế phát triển trên thế giới trong thời gian tới, khi dịch bệnh chi phối khá mạnh đến các ngành chế biến gỗ.
Gần đây, nhà sản xuất tủ bếp lớn nhất của Mỹ là MasterBrand Cabinets (thuộc Fortune Brands Home & Security) cho biết đã ngừng mua sản phẩm từ Trung Quốc. Thay vào đó, công ty này đã nhận được tủ lắp ráp sẵn từ Việt Nam. Theo các nguồn tin trong ngành, tủ sản xuất tại Việt Nam khi đến tay Masterbrand Cabinet đắt hơn tủ Trung Quốc từ 30-40%.