Từ 15/8 cụ thể hóa quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm trên TTCK
Đây được coi là bước đột phá nhằm cụ thể hoá một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm tài chính, trong đó có hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Theo đánh giá của Bộ Công an, nhằm góp phần đấu tranh có hiệu quả với các hành vi phạm tội mới phát sinh trong các lĩnh vực thuế, tài chính- kế toán và chứng khoán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2009 đã sửa đổi, bổ sung mới 3 điều quy định về các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Tội thao túng giá chứng khoán).
Do vậy, tại Thông tư liên tịch số 10 đã hướng dẫn việc xử lý hình sự đối với 3 tội gồm: Cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán.
Cụ thể, đối với hành vi cố ý thông tin sai lệch là người phạm tội công bố thông tin sai sự thật liên quan đến hoạt động của công ty đại chúng, tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết... như công bố thông tin không đúng với thông tin trong các hồ sơ về chào bán chứng khoán; đăng ký niêm yết; lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán. Còn hành vi che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán là người phạm tội không công bố hoặc cố ý công bố không đầy đủ thông tin trong các hồ sơ về chào bán chứng khoán, đăng ký niêm yết, giao dịch chứng khoán...
Đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán được Thông tư hướng dẫn bao gồm các hành vi: sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán cho chính mình, cho người khác; tiết lộ thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ. Đồng thời, Thông tư liên tịch cũng nêu rõ thông tin nội bộ được hiểu là những thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của công ty đại chúng, hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố, mà nếu công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó.
Đối với tội thao túng giá chứng khoán việc xử lý sẽ căn cứ vào việc gây hậu quả là thiệt hại về vật chất để định tội hoặc định khung hình phạt. Ngoài ra, còn xem xét cả hành vi phạm tội có gây ra các hậu quả phi vật chất như: Gây ảnh hưởng đến thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường chứng khoán; làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán... Để trên cơ sở đó, có thể đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra thuộc loại nào: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
Trước đó, góp ý vào Dự thảo Thông tư liên tịch này, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị việc xác định mức gây hậu quả nghiêm trọng bằng vật chất và mức thu lợi bất chính lớn để truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán cần đảm bảo phù hợp với giá trị của các giao dịch chứng khoán, có tính đến thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, mới trong giai đoạn đầu xây dựng, đặc biệt là cần phân biệt được ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự, tránh hình sự hoá các hành vi vi phạm hành chính, đảm bảo răn đe, phòng ngừa trong xử lý vi phạm về chứng khoán.
Tiếp thu đề xuất này, Thông tư liên tịch số 10 đã nêu cụ thể một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt đối 3 tội danh trên. Chẳng hạn như với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán thì thu lợi bất chính lớn là thu được một khoản lợi có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng từ việc thực hiện hành vi phạm tội mà có; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là thu được một khoản lợi có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Và gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên.
Đối với tội thao túng giá chứng khoán, thì tình tiết xác định gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư số tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng; và gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên được coi là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Với các chế tài khá nặng của Thông tư liên tịch này sẽ góp phần làm lành mạnh hoá thị trường chứng khoán Việt Nam; góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, và phòng chống loại tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng.
Trong năm 2012, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức 7 đoàn thanh tra và 60 đoàn kiểm tra đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán; thao túng giá chứng khoán, chấp hành quy định về giao dịch ký quỹ. UBCKNN đã ban hành 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt 11 tỷ đồng.Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý vi phạm về thao túng giá, giao dịch nội bộ. Đã triển khai 6 đoàn kiểm tra giao dịch đối với các cổ phiếu có nghi vấn và chuyển hồ sơ 4 vụ việc liên quan đến bán khống cho cơ quan công an. |
Nguồn Hải Quan Online