Từ 100.000 đầu mối mua sắm công sản sẽ còn 107 đầu mối
Việc quy định mua sắm tập trung đã được thực hiện thí điểm 7 năm qua, theo Quyết định 179/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc mua sắm tập trung chưa áp dụng bắt buộc nên mới chỉ có 33 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tham gia thực hiện và chủng loại tài sản mua sắm rất hạn chế; cách thức và quy trình mua sắm chưa phù hợp; đơn vị mua sắm tập trung và cán bộ thực hiện chưa được chuyên nghiệp hóa.
Để khắc phục những hạn chế trên, cũng như thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí thì việc ban hành quy định mua sắm tập trung tài sản Nhà nước và áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách, Bộ Tài chính cho biết.
Cũng theo Bộ này, dự thảo Quyết định của Thủ tướng về mua sắm tập trung thay thế cho Quyết định 179 quy định đơn vị mua sắm tập trung cơ bản chỉ thực hiện nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng khung với nhà thầu về số lượng, chất lượng và giá cả hàng hóa dịch vụ.
Đơn vị sử dụng tài sản sẽ trực tiếp ký hợp đồng mua sắm và thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản. Theo Bộ Tài chính, cách thức trên đã áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới.
Quy trình mua sắm tài sản sẽ được thực hiện khép kín từ khâu lập dự toán cho đơn tổ chức thực hiện mua sắm và quản lý, sử dụng tài sản; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Dự thảo cũng quy định về mô hình đơn vị mua sắm tập trung ở các cấp: Trung ương, bộ, ngành và các địa phương. Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung quốc gia hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập không vì mục tiêu lợi nhuận, được tổ chức tại Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Cơ quan soạn thảo dự thảo là Bộ Tài chính cho biết, theo đăng ký của 37 bộ, cơ quan Trung ương và 56 địa phương thì cơ bản không đề nghị thành lập bộ máy mới mà hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung.
Bộ Tài chính dự tính, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt trên phạm vi toàn quốc thì số tiền Nhà nước tiết kiệm được chiếm khoảng 15% tổng giá trị mua sắm, tương đương 30.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, có việc giảm chi cho bộ máy và biên chế trong mua sắm công. Hiện cả nước có hơn 100.000 đầu mối mua sắm tập trung sẽ giảm còn 107 đầu mối gồm 2 đơn vị mua sắm cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các bộ, ngành Trung ương và 63 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Góp ý vào dự thảo, một số bộ, ngành đề nghị cần bổ sung đối tượng mua sắm là các dịch vụ công chứ không chỉ là mua sắm tập trung tài sản công. Bên cạnh đó, việc mua sắm công sản của các doanh nghiệp Nhà nước cũng cần được quy định, quản lý.
Một số ý kiến cũng cho rằng dựa trên các văn bản luật đã được ban hành như Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và một số Nghị định của Chính phủ thì chỉ cần ban hành một Thông tư để hướng dẫn việc mua sắm tập trung thay vì ban hành một Quyết định của Thủ tướng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cho rằng việc ban hành một Quyết định là phù hợp với Nghị định số 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ và việc mua sắm tập trung được thực hiện theo cơ chế mới, phạm vi ảnh hưởng rộng nên cần ban hành một Quyết định của Thủ tướng để đảm bảo tính pháp lý trong thực hiện.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình với đánh giá của các bộ, ngành về tính cần thiết phải ban hành quy định mới về mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung. Việc này sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực thực hiện cho các cơ quan Nhà nước, đồng thời dễ kiểm soát, phát hiện các hành vi tham nhũng trong mua sắm công sản.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật có liên quan tới mua sắm công sản theo hướng tập trung để ban hành văn bản bằng hình thức phù hợp nhất, đảm bảo tính chặt chẽ và hiệu quả thực hiện trên thực tiễn.
Nguồn Chinhphu.vn