TTC và bước chuyển của “banker” Đặng Văn Thành
Kỳ 1: Trở lại với “mật ngọt”
Cuối năm 2015, ông Đặng Văn Thành xuất hiện với vai trò Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Kobe VN (KVB), một công ty chuyên cung cấp và chăn nuôi bò Kobe. Tháng 04/2016, với vai trò Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), ông đưa ra một quyết định chiến lược, chi 500 tỷ đồng để mua lại 35% cổ phần của Tập đoàn Tín Nghĩa. Cuộc trở lại thương trường của ông Thành lần này, được giới phân tích đánh giá là “ấn tượng”.
Chắc hẳn ông Đặng Văn Thành sẽ không quên được cái ngày “định mệnh” cách đây 4 năm. Ngày 2/11/2012, ông phải nhận quyết định của Hội đồng Quản trị (HĐQT) Sacombank, thôi chức chủ tịch.
Phải nhận quyết định thôi giữ chức vụ cao nhất của ngân hàng do mình sáng lập và giữ vị trí ấy suốt 17 năm từ năm 1995. Phải ra đi vào lúc ngân hàng vẫn có lãi lên đến 2.200 tỷ cho 3 quý đầu năm. Thêm nữa, rộ tin đồn ông sắp bị bắt… Có lẽ, mọi người cho rằng ông Thành đã qua thời.
Ngay sau đó, con trai ông Thành là ông Đặng Hồng Anh và con gái Đặng Huỳnh Ức My cũng rút khỏi các hoạt động làm ăn tại Sacomreal và Thành Thành Công. Giới phân tích cho rằng sự nghiệp kinh doanh của gia tộc họ Đặng đã sụp đổ. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy.
Mật ngọt
Ít người biết, ông Thành không khởi nghiệp bằng ngành tài chính. Ông, cùng với vợ, Huỳnh Bích Ngọc, kinh doanh ngành rỉ mật từ năm 1979 với cơ sở sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ mang tên Thành Thành Công (sau này là TTC).
10 năm sau, năm 1989, khi đã tích lũy kha khá vốn từ TTC, ông bắt tay thành lập Hợp tác xã Tín dụng TTC, giữ vai trò chủ nhiệm. Đó là tiền thân của Ngân hàng Sacombank sau này.
TTC ban đầu chỉ là cơ sở gia đình. Hiện tại, TTC là một tập đoàn đa ngành với 21 công ty thành viên, đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu: Bất động sản, Năng lượng, Mía đường, Giáo dục, Du lịch và Nông sản. Theo cáo bạch, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của TTC lên đến gần 30 ngàn tỷ đồng, vốn điều lệ 11.371 tỷ đồng với doanh thu thuần đạt 15.405 tỷ đồng.
Giờ đây, khi điểm lại những thành công của TTC, giới phân tích nhận ra, “mật ngọt” của ông Thành chính là nền tảng gia đình. Trong vòng 3 đến 4 năm xảy ra “biến cố Sacombank”, người ta thấy ông Thành “mất hút” (sau này ông xác nhận là vì mệt mỏi nên bàn giao công việc và sang Singapore nghỉ một thời gian dài).
Thế nhưng, công việc làm ăn của TTC thì không dừng lại. Đằng sau ông, hai người phụ nữ, bà Ngọc với vai trò chủ tịch và cô Ức My, con gái lớn, đã cùng mẹ chèo lái “con thuyền” TTC trước cơn sóng dữ.
Chuyển hướng?
Khi nhiều báo lớn chạy dòng tít “ông Đặng Văn Thành tái xuất”, ông xuất hiện với vai trò chủ tịch TTC. Có lẽ, bà Ngọc và con gái ông, cô Ức My, đã làm xong sứ mệnh “bình ổn” để ông có thể trở lại thương trường.
Câu chuyện mà ông Thành nói với báo chí giờ đây là mía đường và chăn nuôi. Ông say sưa chia sẻ về kế hoạch nuôi bò. “Trước đây mọi người hay gọi tôi là Đặng Văn Thành Sacombank, sau này chắc còn biết thêm Đặng Văn Thành bò Kobe”, ông nói.
Nhà máy của Công ty đường TTC Tây Ninh của Tập đoàn TTC |
Năm 2015, báo cáo tài chính của TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa, hai công ty thành viên trọng yếu trong lĩnh vực mía đường, đóng góp cho TTC lên đến 440 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó TTC Tây Ninh có số lãi là 280 tỷ đồng, còn Đường Biên Hòa là 160 tỷ đồng.
Không những thế, đầu tháng 04 năm 2016, TTC bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần của Tập đoàn Tín Nghĩa, một đại gia bất động sản, nông sản đến từ Đồng Nai.
Đánh giá về động thái này, giới phân tích cho rằng, TTC chuyển hướng và tập trung sâu vào mảng kinh doanh nông sản và logistic. Bởi vì, hiện tại Tín Nghĩa đang sở hữu hàng loạt tài sản liên quan như: KCN Nhơn Trạch 1, 2, 3, Nhơn Trạch 6D, Bàu Xéo, Tân Phú… Ngoài ra, tập đoàn này còn có doanh thu lớn từ xuất khẩu cà phê và xăng dầu. Theo đó, Tín nghĩa có kế hoạch trồng 3000 ha cà phê tại Lào và đã khai thác được 700 ha.
Liệu rằng, một người có máu kinh doanh tiền, được mệnh danh là “banker” (nhà tư tưởng ngân hàng) đúng nghĩa như ông Thành (người thứ hai được giới chuyên môn thừa nhận là ông Trần Mộng Hùng, Nhà sáng lập ACB) sẽ chuyển hướng hẳn và chỉ làm nông nghiệp? Đó là băn khoăn của không ít nhà phân tích chiến lược. Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi trên để lý giải về chiến lược kinh doanh của ông Thành và TTC vẫn là câu hỏi mở đang chờ câu trả lời thuyết phục.
Kỳ 2: Chiến lược M&A của TTC từ thương vụ Tín Nghĩa
Muốn doanh nghiệp lớn nhanh thì mua bán và sáp nhập (M&A) là một chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Hầu hết các tập đoàn lớn như VinGroup, Masan, Bim Group… đều lựa chọn phương án tối ưu này. TTC cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu của thị trường.
M&A - lựa chọn hoàn hảo
Giới chuyên gia trên thị trường, đặc biệt là dân tài chính, “choáng ngợp” trước thành quả ấn tượng của Tập đoàn Masan. Từ một công ty thực phẩm được biết đến với nước tương và mì gói, sau chiến lược M&A “thần tốc”, bằng các thương vụ: mua lại Vinacafe Biên Hòa, cám Con Cò, cám AnCo, nước suối Vĩnh Hảo… Masan đã trở thành một tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam.
Để đạt được thành công đó, đằng sau các quyết định của hai nhà sáng lập trứ danh Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang, người ta biết đến, đó là công trình của “kiến trúc sư trưởng”, Giám đốc Tài chính Michael H. Nguyễn. “Michael H. Nguyễn là người đã giúp Masan trở thành tập đoàn đa ngành sau khi huy động thành công 1,5 tỷ đô la Mỹ”, một lãnh đạo của Masan bộc bạch.
Trở lại câu chuyện của TTC, dù không có trong tay “báu vật” như Michael H. Nguyễn của Masan, nhưng TTC đã có “banker” Đặng Văn Thành, người có nhiều năm lăn lộn trên thị trường, nhà sáng lập nên định chế tài chính hùng mạnh Sacombank.
Cơ cấu của Tập đoàn Tín Nghĩa sau khi TTC rót 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần.
Và cũng ông Thành, là người đưa ra các quyết định M&A khiến dân tài chính ngả mũ kính phục. Vào cuối năm 2010, ông Thành cùng các cộng sự của mình đã thực hiện một cuộc “ngược dòng” ngoại mục khi mua lại 68,52% cổ phần của Công ty CP Bourbon Tây Ninh (tên giao dịch tiếng Pháp là Société de Bourbon Tây Ninh, mã chứng khoán: SBT) với giá là 34 triệu Euro. Điểm đặc biệt ở đây là số tiền mà TTC bỏ ra ngang với mệnh giá giao dịch là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 20% giá giao dịch tại thời điểm hiện tại và Bourbon Tây Ninh khi đó đang làm ăn có lãi.
Lý giải cho hiện tượng lạ kì này, phía Bourbon cho rằng họ đang tập trung cho chiến lược “cung ứng dịch vụ hàng hải dầu khí ngoài khơi theo yêu cầu của cổ đông công ty mẹ tại Pháp”. Còn các nhà phân tích tài chính thì cho đó là tài năng đàm phán của lãnh đạo TTC.
“Chúng tôi cho rằng, sau 15 năm gắn bó với Việt Nam, lãnh đạo của Bourbon cần tìm đối tác tin cậy để chuyển giao và có lẽ không ai xứng đáng bằng TTC”, bà Đặng Huỳnh Ức My, Tổng Giám đốc TTC thời điểm đó nói với chúng tôi.
Tuy nhiên, dù đứng ở góc độ nào thì mọi người đều thấy đó chính là thành công của TTC và nó có dấu ấn của “banker” Đặng Văn Thành.
“Át chủ bài” Tín Nghĩa
Một quyết định gần đây nữa của TTC đến từ “banker” Đặng Văn Thành chính là thương vụ M&A Tập đoàn Tín Nghĩa vào đầu tháng 4 năm 2016.
Theo đó, thương vụ này được cho là có giá trị lên 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần của Tập đoàn Tín Nghĩa. Câu hỏi được đặt ra là TTC thu lợi gì trong thương vụ này?
Nhìn vào khối tài sản mà Tín Nghĩa Corp. đang sở hữu giới phân tích nhận định đây là bước chuyển chiến lược của TTC. Tín Nghĩa Corp. chính là con bài chiến lược trong toàn cục chuyển hướng của TTC. Mục tiêu quan trọng mà TTC nhắm đến chính là bất động sản.
Theo đó, riêng khu đô thị Đông Sài Gòn (thuộc sở hữu CTCP Đầu tư Nhơn Trạch – NIC, công ty con của Tín Nghĩa Corp) đang sở hữu 942 ha đất và có tổng mức đầu tư lên đến 6 tỷ đô la Mỹ. Hiện tại, theo cáo bạch, NIC đã rót vào dự án Đông Sài Gòn 577 tỷ đồng và nộp cho ngân sách Nhà nước số tiền là 804 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, dự án vẫn đang ở trong tình trạng “ngủ đông” sau 7 năm khởi động.
Ngoài ra, Tín Nghĩa Corp. còn sở hữu một loạt tài sản khác như: Khu du lịch Bàu Trúc (7ha, Ninh Thuận), Cù Lao Tân Vạn (47 ha, vốn đầu tư dự kiến 500 triệu đô la Mỹ).
Theo thông tin Danviet.vn có được, TTC từng có những tham vọng lớn nhắm vào thị trường bất động sản Đồng Nai. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đại dự án này đã bị ngừng lại.
Do vậy, có thể hiểu được, với thương vụ M&A với Tín Nghĩa, TTC đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở lại “vùng đất hứa” bất động sản Đồng Nai. Địa hạt, mà lâu nay, vốn dĩ chỉ có cuộc đua song mã của Tín Nghĩa và Dona Coop.
Nguồn Dân Việt