TS. Vũ Quang Đông: Giao dịch trái phiếu sẽ tiếp tục sôi động
Với tư cách là nhà môi giới trái phiếu hàng đầu trên thị trường, VCBS đánh giá như thế nào về những thuận lợi, khó khăn khi tham gia thị trường này?
Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia thị trường, VCBS đã trải qua những giai đoạn thăng trầm của thị trường trái phiếu. Dựa trên nền tảng được liên tục củng cố trong hơn một thập kỷ qua, VCBS đã tạo lập cho mình vị thế riêng với uy tín chuyên môn luôn được đánh giá cao. Chính việc gắn bó với nhà đầu tư (NĐT) trong một giai đoạn dài đã giúp chúng tôi dần hoàn thiện và tạo được sự khác biệt, từ đó sở hữu những thuận lợi riêng trên thị trường.
Năm nay, nhu cầu trái phiếu đã được dự đoán từ đầu năm là sẽ cao, với xu hướng đi xuống tất yếu của lợi suất. Do vậy, thị trường đã nhận được nhiều sự quan tâm của NĐT. Cũng phải kể đến những nỗ lực của nhà quản lý khi không ngừng nâng cao mức độ hấp dẫn của thị trường trái phiếu theo cách cởi mở hơn. Với vai trò môi giới, VCBS tích cực tham gia thị trường, phục vụ khách hàng. Khối lượng đặt thầu sơ cấp và giao dịch thứ cấp thông qua VCBS ngày một nhiều.
Thực tế, số lượng nhà môi giới uy tín và chuyên nghiệp trên thị trường hiện nay không nhiều, nên những quy định về an toàn, cũng như chế độ bảo mật thông tin đối với khách hàng luôn được chúng tôi đề cao thực thi, từ đó nâng cao tính cạnh tranh. Thêm nữa, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trái phiếu, VCBS đã xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ rộng khắp, chặt chẽ, nền tảng cơ sở khách hàng phong phú.
Tuy nhiên, có những tồn đọng chung của thị trường trái phiếu khiến các nhà môi giới còn vấp phải nhiều khó khăn và VCBS cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Về tổng quan, thị trường trái phiếu Việt Nam còn non trẻ, quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Tính đa dạng hóa về sản phẩm trái phiếu còn kém khi hơn 90% là trái phiếu chính phủ. Cơ cấu thành viên thị trường còn nhiều hạn chế khi thành viên chủ yếu vẫn là các ngân hàng, chiếm hơn 80%.
Mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ hiện giảm khá mạnh so với trước, dự báo có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Theo ông, điều này có tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh trái phiếu?
Với mặt bằng lãi suất thấp hơn, các ngân hàng thương mại có thể sẽ cắt giảm lãi suất huy động và tiếp tục nắm giữ trái phiếu, hưởng chênh lệch giữa chi phí vốn và lợi suất danh nghĩa. Trong điều kiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dư thừa và tăng trưởng tín dụng bế tắc, đây được coi là một giải pháp an toàn và hợp lý. Dự báo, nhu cầu trái phiếu vẫn sẽ cao trong thời gian tới. Hơn nữa, các thành viên thị trường tiếp tục tích cực tham gia giao dịch trên thị trường thứ cấp, kiếm lời ngắn hạn dựa vào xu hướng đi lên của giá trái phiếu.
Nói một cách ngắn gọn, xu hướng đi xuống của lãi suất trên thị trường tiền tệ sẽ khiến hoạt động kinh doanh trái phiếu tiếp tục náo nhiệt từ nay đến hết năm.
Lãi suất phát hành trái phiếu thường cao hơn so với lãi suất vay ngân hàng, vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh phát hành trái phiếu, thưa ông?
Rất khó để căn cứ vào lãi suất vay ngân hàng và lãi suất trái phiếu để đưa ra quyết định khi chi phí phát hành trái phiếu thay đổi tùy theo từng tổ chức bảo lãnh, tư vấn và phụ thuộc trực tiếp vào tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp. Thông thường, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp nhất với lợi ích của chính doanh nghiệp đó tại từng thời điểm khác nhau.
So với việc đi vay ngân hàng, một số ưu điểm của phát hành trái phiếu có thể kể đến như doanh nghiệp sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ, thay vì việc giải ngân có lộ trình từng đợt. Kỳ hạn khi đi vay qua trái phiếu cũng dài hơn các kênh tín dụng truyền thống. Trong khi đó, quy định và sự giám sát chặt chẽ từ việc vay ngân hàng lớn hơn, là một trở ngại không nhỏ đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý rằng, trái phiếu có nhiều hình thức đa dạng hơn. doanh nghiệp có thể chọn phát hành trái phiếu loại thông thường hoặc chuyển đổi, lãi suất cố định hoặc thả nổi, có tài sản đảm bảo hoặc không. doanh nghiệp cũng có thể phát hành loại trái phiếu có thể thu hồi trước khi đáo hạn, trong khi doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản phí không nhỏ nếu trả nợ trước hạn nếu chọn hình thức vay ngân hàng.
Bộ Tài chính và Sở GDCK Hà Nội đang xây dựng văn bản pháp lý nhằm định hình nhà tạo lập thị trường trái phiếu. VCBS có đề xuất gì để khung pháp lý mới có thể hỗ trợ nhiều hơn cho khối CTCK khi giam gia thị trường trái phiếu?
Một trong những điều quan trọng nhất đó là xác định cụ thể nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các nhà tạo lập thị trường. Trên thế giới, một số nước có nền tài chính tiên tiến cho phép các nhà tạo lập thị trường giao dịch từ trước khi có đấu thầu, từ đó xác định được nhu cầu và mức lợi suất hợp lý cho từng đợt phát hành.
Đặc biệt, cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ về tiềm lực tài chính của các nhà tạo lập, đảm bảo tính thanh khoản của thị trường. Bên cạnh đó, tập hợp các giao dịch về một hệ thống thông tin quốc gia để thuận lợi hơn trong việc giám sát thị trường trái phiếu.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán