TS Vũ Đình Ánh: Hầu hết trái phiếu chính phủ đầu tư vào lĩnh vực không có thu hồi
Thưa ông, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) đang thấp hơn lãi suất ngân hàng, nhưng tại sao vẫn hấp dẫn các ngân hàng?
Ngân hàng (NH) đã chọn cái ít xấu hơn với 2 lý do. Một là, bảo đảm an toàn. Trong bối cảnh hiện nay, NH cho doanh nghiệp (DN) vay có thể mất cả gốc lẫn lãi, nhưng cho Chính phủ vay thì rất an tâm. Hai là, giả định ngày mai DN phục hồi, cần tăng tín dụng, NH có toàn quyền mang khối tài sản đầu tư vào trái phiếu chính phủ sang cho DN vay thuận lợi hơn.
Lượng tiền chảy vào trái phiếu được Ngân hàng Nhà nước giải thích là để phục vụ cho đầu tư công. Theo ông, điều này có hợp lý?
TPCP có nhiều loại. Thứ nhất, TPCP dành cho đầu tư công (kế hoạch trung hạn là 225 nghìn tỷ đồng, đầu tư vào 4 lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế; năm 2012 là 45 nghìn tỷ đồng).
Thứ hai, TPCP liên quan đến bù đắp thâm hụt ngân sách. Năm 2012, thâm hụt ngân sách ở Việt Nam khoảng 56% và phải bù đắp bằng đi vay, trong đó, gần một nửa là vay nước ngoài, còn lại là vay trong nước.
Thứ ba, các trái phiếu do các định chế tài chính của nhà nước phát hành nhưng cũng được tính như TPCP bởi có sự bảo lãnh của Chính phủ, như trái phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, một số DN cũng phát hành trái phiếu và được bảo lãnh của Chính phủ.
Ông đánh giá thế nào về việc sử dụng các nguồn trái phiếu này?
Đưa ra đánh giá về sử dụng TPCP rất khó vì không ai báo cáo. Trước đây, có nguồn tin nói TPCP phát hành xong không giải ngân được, nhưng gần đây, Quốc hội thông báo một nguyên tắc: Huy động đến đâu, phải giải ngân đến đấy, không để tồn đọng. Song làm được điều đó không thì... chưa biết!
Về khái niệm, TPCP là để hỗ trợ cho nguồn đầu tư khi thiếu hụt nguồn đầu tư từ ngân sách. Như vậy, về bản chất, TPCP là khoản vay, tức là vay thì phải trả nợ gốc và nợ lãi. Thế nhưng, hầu hết TPCP lại đầu tư vào những lĩnh vực không có thu hồi, cho nên toàn bộ gánh nặng trả nợ gốc và nợ lãi (nợ lãi nằm trong chi thường xuyên, nợ gốc nằm trong chi trả nợ gốc) nằm ở bên ngoài. Như vậy, có “vấn đề” trong sử dụng TPCP!
Đúng ra, về mặt nguyên tắc, đó là nguồn vốn thương mại, tức là có nợ gốc và lãi suất phải trả, thậm chí lãi suất theo thị trường, chúng ta phải sử dụng nó vào những ngành, lĩnh vực có thể tạo ra khả năng để trả nợ chứ không phải chỉ để hỗ trợ đầu tư.
Vậy theo ông, đâu mới là bản chất thực của TPCP?
Chúng ta cần nguồn vốn cho đầu tư công, nhưng nếu đi vay quá nhiều, gánh nặng nợ tăng lên, có thể mất an ninh tài chính. TPCP như một nguồn thu hút, nếu sử dụng không tốt sẽ chèn ép các khu vực khác. Ví dụ, năm nay, DN khó khăn, các NH cũng không có động cơ đẩy mạnh cho DN vay, vì ít nhất NH có một kênh là đẩy vào TPCP. Đấy có thể là một trong những nguyên nhân tranh giành vốn với khu vực tư nhân.
TPCP là một công cụ tài chính. Bình thường, công cụ tài chính đó không chỉ phát triển trên thị trường sơ cấp, tức là Chính phủ phát hành rồi đi mua, mà hiện nay chủ yếu là các tổ chức tài chính, tín dụng mua, thì thị trường thứ cấp sẽ không phát triển. TPCP còn là khoản vay phải trả cả gốc và lãi sau thời gian nhất định, nên vấn đề cần làm rõ là sử dụng nó như thế nào để không bị tồn đọng và đưa vào những lĩnh vực hiệu quả để bảo đảm khả năng trả nợ gốc và lãi.
Nguồn Bộ Công thương